Danh từ, động từ và tính từ - Các bài học hay của tiếng Việt 4

Danh từ, động từ và tính từ - Các bài học hay của tiếng Việt 4

 Dạy các bài về danh từ, động từ, tính từ (DT, ĐT, TT) ở lớp 4 thực ra chỉ là việc khái quát hoá các nhóm từ đã học ở lớp 2,3 để có tên gọi mới và định nghĩa cho lớp từ đó. Sở dĩ vậy vì, ngay từ lớp 2: tuần 3, tuần 4 các em đã làm các bài tập về tìm từ chỉ sự vật; sang tuần 5 các em đã học về tên riêng và cách viết tên riêng; tới tuần 7, tuần 8, các em đã học về từ chỉ hoạt động, trạng thái; đến tuần 15, tuần 16, các em lại học tiếp về từ chỉ đặc điểm, tính chất. Các kiểu bài tập đó được củng cố và ôn luyện tiếp ở lớp 3. Nói vậy, có nghĩa là, các bài dạy ở lớp 4, các thầy cô chỉ việc giúp các em hình thành kiến thức mới trên cơ sở làm các bài tập tìm các từ và xếp vào nhóm từ quen thuộc. Nhưng thực tế dạy học cho thấy, công việc đó không hề đơn giản.

 DT, ĐT và TT được dạy từ tuần 5 đến tuần 13 ở lớp 4. Các bài học này giúp học sinh có khái niệm ban đầu; nhận diện được DT, ĐT, TT trong đoạn văn; bước đầu biết sử dụng DT, ĐT, TT để đặt câu. Thực tế cho thấy, nhiều giờ dạy của GV không thành công vì từ Nhận xét để đi đến Ghi nhớ mất nhiều thời gian mà HS vẫn không hiểu bài; phần Luyện tập, nhiều HS không làm được bài vì đã không hiểu khái niệm thì sao xác định được từ loại trong đoạn văn.Vì sao vậy ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là:

+ Ngữ liệu được chọn trong phần nhận xét là một đoạn văn (thơ hoặc mẩu chuyện) dài (Nhất là mẩu chuyện Cậu học sinh ở ác-boa trong bài Tính từ). HS phải mất thời gian đọc để hiểu nội dung văn bản rồi mới tìm các từ có đặc điểm ngữ pháp theo yêu cầu. Trong ba bài học nói trên, chỉ có bài Động từ là có phần Nhận xét ngắn gọn và giúp GV-HS có được con đường ngắn nhất đi đến định nghĩa động từ .

+ Các từ tìm được phải sắp xếp thành nhiều nhóm theo tiểu loại (Nhất là bài Tính từ, HS phải tìm ra 7 nhóm từ, sau đó lại phải làm thêm 1 bài tập nữa rồi mới đi đến định nghĩa tính từ).

 

doc 7 trang Người đăng hang30 Lượt xem 818Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Danh từ, động từ và tính từ - Các bài học hay của tiếng Việt 4", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DANH TỪ, ĐỘNG TỪ VÀ TÍNH TỪ
Các bài học hay của Tiếng Việt 4 – Dạy thế nào ?
Nguyễn Ngọc Sang – Trường Tiểu học Tuấn Hưng – Kim Thành – Hải Dương
 Dạy các bài về danh từ, động từ, tính từ (DT, ĐT, TT) ở lớp 4 thực ra chỉ là việc khái quát hoá các nhóm từ đã học ở lớp 2,3 để có tên gọi mới và định nghĩa cho lớp từ đó. Sở dĩ vậy vì, ngay từ lớp 2: tuần 3, tuần 4 các em đã làm các bài tập về tìm từ chỉ sự vật; sang tuần 5 các em đã học về tên riêng và cách viết tên riêng; tới tuần 7, tuần 8, các em đã học về từ chỉ hoạt động, trạng thái; đến tuần 15, tuần 16, các em lại học tiếp về từ chỉ đặc điểm, tính chất. Các kiểu bài tập đó được củng cố và ôn luyện tiếp ở lớp 3. Nói vậy, có nghĩa là, các bài dạy ở lớp 4, các thầy cô chỉ việc giúp các em hình thành kiến thức mới trên cơ sở làm các bài tập tìm các từ và xếp vào nhóm từ quen thuộc. Nhưng thực tế dạy học cho thấy, công việc đó không hề đơn giản. 
 DT, ĐT và TT được dạy từ tuần 5 đến tuần 13 ở lớp 4. Các bài học này giúp học sinh có khái niệm ban đầu; nhận diện được DT, ĐT, TT trong đoạn văn; bước đầu biết sử dụng DT, ĐT, TT để đặt câu. Thực tế cho thấy, nhiều giờ dạy của GV không thành công vì từ Nhận xét để đi đến Ghi nhớ mất nhiều thời gian mà HS vẫn không hiểu bài; phần Luyện tập, nhiều HS không làm được bài vì đã không hiểu khái niệm thì sao xác định được từ loại trong đoạn văn.Vì sao vậy ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là:
+ Ngữ liệu được chọn trong phần nhận xét là một đoạn văn (thơ hoặc mẩu chuyện) dài (Nhất là mẩu chuyện Cậu học sinh ở ác-boa trong bài Tính từ). HS phải mất thời gian đọc để hiểu nội dung văn bản rồi mới tìm các từ có đặc điểm ngữ pháp theo yêu cầu. Trong ba bài học nói trên, chỉ có bài Động từ là có phần Nhận xét ngắn gọn và giúp GV-HS có được con đường ngắn nhất đi đến định nghĩa động từ .
+ Các từ tìm được phải sắp xếp thành nhiều nhóm theo tiểu loại (Nhất là bài Tính từ, HS phải tìm ra 7 nhóm từ, sau đó lại phải làm thêm 1 bài tập nữa rồi mới đi đến định nghĩa tính từ).
+ HS rất quen việc xác định từ chỉ sự vật nhưng phần Luyện tập bài Danh từ lại yêu cầu HS tìm danh từ chỉ khái niệm trong đoạn văn.
+ Bài Động từ và bài Tính từ, phần Luyện tập có nhiều bài tập, trong đó có một bài yêu cầu HS xác định từ loại trong hai đoạn văn tương đối dài khiến thầy trò rất vất vả.
.................................
 Nói tóm lại, nếu GV không có nhiều kiến thức về từ loại và không thiết kế được bài dạy theo bài bản hợp lí thì rất khó nhọc với các bài học nói trên. Qua nghiên cứu nội dung chương trình phần từ loại trong Tiếng Việt ở Tiểu học, đặc biệt là danh từ, động từ và tính từ ở lớp 4, tôi xin phép các thầy cô được trình bày về cơ sở kiến thức và đường lối dạy ba bài học đó.
I. Kiến thức cơ bản 
1. Danh từ
1.1. Khái niệm: DT là từ chỉ sự vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị, vị trí, thời gian, 
1.2. Các tiểu loại
- DT chỉ sự vật: Là DT chỉ người, vật, cây cối, loài vật (Trong DT chỉ sự vật lại có DT chung và DT riêng).
- DT chỉ hiện tượng: Là DT chỉ cái xảy ra trong không gian
+ Hiện tượng tự nhiên: mưa, gió, sấm , chớp, giông, bão, động đất, sóng thần, 
+ Hiện tượng xã hội: chiến tranh, khởi nghĩa, áp bức, bóc lột, đấu tranh,  (khi có sự chuyển loại và kết hợp với các từ sự, cuộc, ...)
- DT chỉ khái niệm: Là DT chỉ những cái có tính chất trừu tượng mà ta chỉ cảm nhận được nó bằng tư duy: tư tưởng, đạo đức, tính nết, thói quen, cuộc đời, sự nghiệp, phương châm, chủ trương, 
- DT chỉ đơn vị: Là các từ để đo, đếm, xác định sự vật, hiện tượng
+ DT chỉ đơn vị tự nhiên: cái, con, chiếc, mẩu, hòn, cơn, bức, tờ, quyển, cây, 
+ DT chỉ đơn vị đo lường: mét, cân, lạng, tạ, gang, tấc, lít, 
+ DT chỉ đơn vị thời gian: giây, phút, giờ, tuần, tháng, quý, năm, mùa , vụ, thế kỉ, (Chú ý: các từ ngày, đêm có lúc là DT chỉ đơn vị, có lúc là DT chỉ thời gian, nghĩa chỉ đơn vị được dùng ít hơn nghĩa chỉ thời gian. VD:
 Ngày tôi đi làm, đêm tôi nghỉ. (ngày là DT chỉ thời gian, khoảng thời gian từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn)
 Tính đến nay, tôi xa nhà đã năm ngày. (là DT chỉ đơn vị thời gian, gồm 24 giờ, khoảng thời gian trái đất tự quay một vòng quanh nó)
+ DT chỉ đơn vị hành chính, tổ chức:xã, huyện, tỉnh, trường, lớp, ban, ngành, su đoàn, tiểu đội, 
- DT chỉ thời gian: VD: khi, lúc, hồi, thời, ngày, đêm, 
- Danh từ chỉ vị trí, phương hướng: Là DT chỉ các vị trí hay phương hướng trong không gian: phải, trái, giữa, trong, ngoài, trên, dưới, trước, sau, đông, tây, nam, bắc,
 Chú ý: Các từ trong, ngoài, trên, dưới , có lúc là quan hệ từ.( VD: Trên phương diện ấy, anh ta có ưu thế. Hay: nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa.)
2. Động từ
1.1. Khái niệm: Là từ chỉ hoạt động hay trạng thái của sự vật.
2.1. Các tiểu loại
- ĐT chỉ hoạt động (dễ nhận biết. Chú ý: Chỉ có người hoặc động vật mới có hoạt động. Nhưng lại có những từ dùng chung để miêu tả cả động vật và phi động vật, VD: thổi, đánh, giật, rung , ). Động từ chỉ hoạt động thường đi kèm với “xong” (ăn xong, làm xong, viết xong, ). ĐT chỉ trạng thái không kết hợp với “xong” . 
- ĐT chỉ trạng thái: 
+ Trạng thái vật lí: đứng, nghiêng ngả, nằm, treo, 
+ Trạng thái sinh lí: ngủ, chết, ngất, 
+ Trạng thái tâm lí: yêu, ghét, chán, thèm, 
+ Trạng thái tồn tại: có, còn, hết, mất, 
+ Trạng thái biến hóa: thành, trở thành, hóa , biến, biến thành, 
+ Trạng thái tiếp thụ: bị, được, nhận, chịu, phải, 
+ Trạng thái so sánh: hơn, kém, ngang, bằng, 
+ ĐT chỉ cảm xúc (cũng có quan điểm xếp vào ĐT chỉ trạng thái tâm lí): vui, mừng, xúc động, cảm động, )
* Chú ý:
+ Có cách chia thành ngoại động từ và nội động từ (Ngoại động từ chỉ hành động tác động đến vật khác, nội động từ chỉ hoạt động chỉ dừng lại ở chủ thể) nhưng HS tiểu học không học cái đó.
+ Khi xét một từ là ĐT chỉ hoạt động hay trạng thái cần xét đến nội dung câu văn. VD: Cậu mặc áo bào đỏ, vai khoác cung tên, lưng đeo gươm báu. Các từ mặc, khoác, đeo là ĐT chỉ trạng thái. Nhưng câu Anh vừa mặc áo vừa kể chuyện về chuyến tham quan ở nước ngoài. Thì mặc là ĐT chỉ hoạt động.
+ Xác định đúng ĐT chỉ hoạt động hay ĐT chỉ trạng thái sẽ xác định đúng kiểu câu Ai làm gì ? hay Ai thế nào trong một số trường hợp (như hai câu trong VD trên).
3. Tính từ
3.1. Khái niệm : TT là các từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động hay trạng thái.
3.2. Các tiểu loại:
- TT miêu tả đặc điểm, T/C của sự vật: Là các TT nói về màu sắc, hình dáng, kích thước, phẩm chất của chủ thể.
- TT miêu tả đặc điểm, T/C của hoạt động hoặc trạng thái: Là các TT miêu tả để làm rõ thêm cho người đọc biết hoạt động hay trạng thái đó thế nào. Nó thường đi liền động từ.
 VD: Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn.
 Phấp phới là TT miêu tả trạng thái; lớn là TT miêu tả sự vật.
 TT miêu tả đặc điểm là TT thiên về miêu tả các đặc điểm bên ngoài đối tượng; TT miêu tả tính chất là TT thiên về miêu tả các đặc điểm bên trong sự vật.
* Chú ý:
+ Với HS tiểu học, tiêu chí quan trọng nhất để xác định từ loại là nghĩa của từ. Ngoài ra, khi nghĩa chưa làm HS thỏa mãn, ta có thể dựa vào khả năng kết hợp của chúng với các từ khác hoặc chức vụ ngữ pháp của chúng trong câu. 
+ Một từ có thể có nhiều nghĩa, nghĩa nào được sử dụng phổ biến nhất thì lấy nghĩa đó để xác định từ loại. Khi từ đã nằm trong câu thì phải căn cứ vào nghĩa của câu để xác định từ loại. VD:
 - Sao hai đứa cứ thì thầm với nhau thế. (thì thầm là ĐT, Nói nhỏ, không rõ thành tiếng, nghe lẫn vào trong hơi gió (đồng nghĩa với thì thào)
 - Sao hai đứa cứ nói thì thầm vậy, có gì thì nói to lên cả nhà cùng nghe xem nào. ( thì thầm là TT miêu tả cách nói chuyện)
+ Khi ra đề thi, tránh đưa ra những trường hợp có tính chất đánh đố HS vì có
những từ rất khó xác định là ĐT hay TT.
II. Cách dạy học
1. Đường lối chung 
 Ta thực hiện lần lượt các bước: Làm bài tập - Nhận xét - Kết luận - Ghi nhớ - Luyện tập. Cụ thể là:
 GV đưa ra đoạn văn, đoạn thơ hoặc mẩu chuyện cho HS đọc. Yêu cầu HS đọc đoạn văn đó rồi làm một số bài tập, thường là tìm các từ (theo yêu cầu về trường nghĩa - chỉ sự vật hoặc chỉ hoạt động, trạng thái hay chỉ đặc điểm, tính chất, ...) rồi xếp các từ đó vào nhóm thích hợp (theo tiểu loại của từ loại). Sau đó, GV khái quát: Những từ mà các em vừa tìm được trong bài cũng như tất cả các từ khác trong Tiếng Việt thuộc các nhóm từ đó người ta gọi là ... (DT, ĐT, TT). GV cùng HS nhận xét để đi đến định nghĩa, rút ra nội dung Ghi nhớ, lấy ví dụ để làm rõ ghi nhớ rồi chuyển sang luyện tập.
2. Cách dạy từng bài cụ thể 
 Danh từ (Tiết LTVC2 tuần5 TV4)
HĐ1: Nhận xét
- GV đưa ra đoạn thơ trong bài Truyện cổ nước mình (máy chiếu hoặc bảng phụ), gọi HS đọc đoạn thơ đó.
- Yêu cầu HS tìm và ghi lại các từ chỉ sự vật.
- Yêu cầu HS xếp các từ đã tìm được vào các nhóm thích hợp (nhóm đôi).
- Chữa bài, đưa ra lờp giải:
 - Các từ chỉ người: cha ông, ông cha
 - Các từ chỉ vật: sông, dừa, chân trời
 - Từ chỉ hiện tượng: mưa, nắng
 - Từ chỉ khái niệm: truyện cổ, cuộc sống, tiếng xưa, đời
 - Từ chỉ đơn vị: cơn, con, rặng
- GV: Các từ chỉ người , chỉ vật, chỉ hiện tượng, chỉ khái niệm, chỉ đơn vị như các từ mà các em vừa tìm được trong đoạn thơ trên gọi là danh từ. Trong tiếng Việt, danh từ có rất nhiều.
? Vậy, qua các bài tập trên, các em hãy cho biết danh từ là gì ? 
- HS phát biểu ý kiến, GV nhận xét, kết luận và viết lên bảng đóng khung thành Ghi nhớ: Danh từ là từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị)
HĐ2: Ghi nhớ
 Cho HS đọc và nhẩm thuộc ghi nhớ rồi lấy thêm VD về mỗi tiểu loại của danh từ.
HĐ3: Luyện tập
- Bài tập 1
+ GV nói về DT chỉ khái niệm: Là DT chỉ những cái không có hình thái rõ rệt, ta không thể cảm nhận bằng giác quan (nhìn thấy, sờ thấy) mà ta chỉ có thể nhận ra nó bằng suy nghĩ của mình.
+ HS tìm ra các DT chỉ khái niệm: điểm, đạo đức, lòng, kinh nghiệm, cách mạng
- Bài tập 2 : HS tự đặt câu với 1 DT chỉ khái niệm
*Chú ý: GV không nên đi sâu phân biệt các tiểu loại của DT vì mục tiêu của bài chỉ là HS hiểu được khái niệm DT và tìm được DT chỉ khái niệm trong đoạn văn.
Động từ (Tiết LTVC2 tuần 9 TV4)
HĐ1: Nhận xét
- GV đưa ra đoạn văn trích trong bài Trung thu độc lập (máy chiếu hoặc bảng phụ), gọi HS đọc đoạn văn.
- Yêu cầu HS thực hiện yêu cầu 2 phần Nhận xét.
- HS phát biểu ý kiến, GV chữa bài và chốt lời giải đúng:
+ Các từ chỉ hoạt động của anh chiến sĩ và thiếu nhi là: nhìn, nghĩ, thấy
+ Các từ chỉ trạng thái của dòng thác và lá cờ là: đổ, bay
- GV: Các em ạ, tất cả các từ chỉ hoạt động như nhìn, nghĩ, thấy, múa, hát, đọc, viết, đi, chạy, ... và các từ chỉ trạng thái như đổ, bay, đứng, nằm, nghiêng, ngả, biến thành, ... gọi là động từ. 
? Vậy, qua các bài tập trên, các em hãy cho biết động từ là gì ? 
- HS phát biểu ý kiến, GV nhận xét, kết luận và viết lên bảng đóng khung thành Ghi nhớ: Động từ là từ chỉ hoạt động , trạng thái của sự vật.
HĐ2: Ghi nhớ
 Cho HS đọc và nhẩm thuộc ghi nhớ rồi lấy thêm VD về động từ.
HĐ3: Luyện tập
 Cả ba bài tập trong phần Luyện tập đều là những bài tập dễ. Chỉ lưu ý với các thầy cô, bài tập 3 nên tiến hành dưới dạng trò chơi Nhìn hành động, đọc động từ cho tiết học thêm vui.
*Chú ý:
- GV không nên đưa ra tiêu chí phân biệt hai tiểu loại ĐT chỉ hoạt động và ĐT chỉ trạng thái trong tiết học này.
- Khi lấy VD về ĐT, HS hay nhầm ĐT với cụm ĐT. Chẳng hạn, “Thưa cô, động từ quét nhà ạ !” hay “Thưa cô, động từ giặt quần áo ạ !”, ...
Tính từ (Tiết LTVC2 tuần 11 TV4)
HĐ1: Nhận xét
- GV cho HS đọc mẩu chuyện Cậu học sinh ở ác-boa.
- Hướng dẫn HS thực hiện yêu cầu 2 phần Nhận xét
- GV chốt lời giải đúng:
 - Các từ chỉ tư chất của cậu bé Lu-i: chăm chỉ, giỏi
 - Các từ chỉ màu sắc của sự vật:
 + Những chiếc cầu: trắng phau
 + Mái tóc của thầy Rơ-nê: xám
Hình dáng, kích thước và các đặc điểm khác của sự vật:
 + Thị trấn: nhỏ
 + Vườn nho: con con
 + Những ngôi nhà: cổ kính
 + Dòng sông: hiền hoà
 + Da của thầy Rơ-nê: nhăn nheo
 Kết luận 1: Các từ chúng ta vừa tìm được trên đây là những từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật nói chung. Trong tiếng Việt, các từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật gọi là tính từ.
- Hướng dẫn HS thực hiện yêu cầu 3 phần Nhận xét
- GV chữa bài và phân tích: Trong cụm từ đi lại vẫn nhanh nhẹn, từ nhanh nhẹn bổ sung ý nghĩa cho từ đi lại. Nó mô tả bước đi của thầy Rơ-nê cho người đọc thấy thầy vẫn còn khoẻ mạnh và hoạt bát. Nhanh nhẹn cũng là một tính từ. Đây là tính từ miêu tả đặc điểm của hoạt động.
 Kết luận 2: Trong tiếng Việt, ngoài các tính từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật còn có các tính từ miêu tả đặc điểm, tính chất của hoạt động, trạng thái. VD: nhanh, chậm, nhanh nhẹn, chậm chạp, hoạt bát, đần đù, lưu loát, ấp úng, ...
? Như vậy, qua các kết luận từ hai bài tập trên, các em hãy cho biết tính từ là gì ?
-HS trả lời, GV kết luận, viết lên bảng đóng khung thành Ghi nhớ: Tính từ là những từ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái, ...
HĐ2: Ghi nhớ:
- HS đọc và nhẩm thuộc Ghi nhớ.
- GV cho HS lấy VD để làm rõ hai tiểu loại của tính từ là: miêu tả đặc điểm , tính chất của sự vật và miêu tả đặc điểm, tính chất của hoạt động, trạng thái.
HĐ3: Luyện tập
- Bài tập 1: GV cho HS dùng vở BTTV, đọc, tìm và gạch chân các tính từ trong hai đoạn văn a,b.
- Bài tập 2: HS tự viết 2 câu theo yêu cầu, gạch chân tính từ trong mỗi câu đó.
* Chú ý: Bài Tính từ có lượng bài tập của phần Nhận xét tương đối nhiều. GV cần thao tác nhanh để dành thời gian cho phần Luyện tập.
 Trên đây là cơ sở kiến thức và cách dạy học các bài Danh từ, Động từ và Tính từ ở lớp 4. Đây là mảng kiến thức lí thuyết từ ngữ rất hay trong chương trình Tiếng Việt 4 Tiểu học. Trong khuôn khổ của bài báo, tôi xin mạn phép được trao đổi cùng các thầy cô. Để kết thúc bài viết này, xin lưu ý các thầy cô khi dạy các bài nói trên cần nghiên cứu chuẩn kiến thức để xác định kiến thức và kĩ năng HS cần đạt trong mỗi bài, tránh dạy vượt quá cao so với chuẩn và đi sâu phân biệt các tiểu loại khác nhau của từng từ loại. Đó là điều chưa cần đạt đến trong các bài học này. Chúc các thầy cô thành công, yêu nghề và yêu Tiếng Việt của chúng ta.
 Lai Vu, ngày 12 tháng 2 năm 2013
 Nguyễn Ngọc Sang

Tài liệu đính kèm:

  • docDanh t­u, dong tu, tinh tu.doc