Đề tài Một vài kinh nghiệm qua việc hướng dẫn học sinh sắm vai cho kiểu bài nghe - Kể trong giờ kể chuyện lớp 5

Đề tài Một vài kinh nghiệm qua việc hướng dẫn học sinh sắm vai cho kiểu bài nghe - Kể trong giờ kể chuyện lớp 5

Cấp Tiểu học ở bất cứ quốc gia nào cũng phải hình thành cho sinh kĩ năng cơ bản tối thiểu và đặc trưng nhất, đó là kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ; nghe, nói, đọc, viết, những kĩ năng được hình thành trên cơ sở tư duy phát triển, và ngược lại nhờ có kĩ năng cơ bản đó mà học sinh tiếp tục học tập tốt hơn, tạo được bước phát triển cao hơn.

Ở nước ta, mục tiêu của giáo dục Tiểu học hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường Tiểu học là cái nôi cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết, giúp các em hình thành và phát triển nhân cách.

 

doc 8 trang Người đăng van.nhut Lượt xem 1980Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Một vài kinh nghiệm qua việc hướng dẫn học sinh sắm vai cho kiểu bài nghe - Kể trong giờ kể chuyện lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT VÀI KINH NGHIỆM QUA VIỆC HƯỚNG DẪN HỌC SINH SẮM VAI CHO KIỂU BÀI NGHE - KỂ TRONG GIỜ KỂ CHUYỆN LỚP 5
 Giáo viên : Đỗ Thị Ngọc Bích
 Trình độ chuyên môn : Cao đẳng Sư phạm
 Đơn vị : Tiểu học Lý Thường Kiệt
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cấp Tiểu học ở bất cứ quốc gia nào cũng phải hình thành cho sinh kĩ năng cơ bản tối thiểu và đặc trưng nhất, đó là kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ; nghe, nói, đọc, viết, những kĩ năng được hình thành trên cơ sở tư duy phát triển, và ngược lại nhờ có kĩ năng cơ bản đó mà học sinh tiếp tục học tập tốt hơn, tạo được bước phát triển cao hơn.
Ở nước ta, mục tiêu của giáo dục Tiểu học hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường Tiểu học là cái nôi cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết, giúp các em hình thành và phát triển nhân cách.
Ở cấp Tiểu học, Kể chuyện là một  môn học lý thú, hấp dẫn đối với học sinh. Tiết Kể chuyện thường được các em chờ đón và tiếp thu bằng một tâm trạng hào hứng. Khác hẳn với những tiết học khác, ở tiết học kể chuyện, giáo viên và các em học sinh hầu như thoát li hẳn sách vở, giao hoà tình cảm một cách hồn nhiên thông qua những nội  dung câu chuyện được kể, thông qua lời kể của giáo viên và lời kể lại của học sinh. Gần như mối quan hệ thầy trò được xác lập giữa một không khí mới, không khí của lòng vị tha và nhân ái.
Cái đích của phân môn kể chuyện là đem lại niềm vui cho học sinh, giáo dục cho các em tư tưởng, tình cảm lành mạnh, cung cấp cho các em vốn hiểu biết về Văn, Tiếng Việt. Kể chuyện còn có mục đích luyện ngôn ngữ nói và kể trước đám đông một cách có nghệ thuật, góp phần khơi gợi tư duy hình tượng cho các em.
Ngoài ra, phân môn Kể chuyện còn cung cấp cho học sinh những tri thức về tự nhiên và xã hội, rèn cho các em một số kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc học tập cũng như cho cuộc sống, hình thành cho các em những phẩm chất đạo đức cao đẹp.
Kể chuyện có sức hấp dẫn, có vai trò quan trọng như vậy nhưng rất tiếc, thực tế hiện nay một số không ít giáo viên vẫn còn coi nhẹ, chưa dành thời gian xứng đáng cho tiết dạy kể chuyện. Một số giáo viên cho rằng kể chuyện phụ thuộc nhiều vào năng khiếu. Ai có năng khiếu, người đó sẽ dạy giỏi. Ai không có năng khiếu thì có cố gắng mấy cũng không thể thành công... Từ những nhận thức đó của giáo viên đã dẫn đến chất lượng giờ Kể chuyện còn hạn chế.
Với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc phát triển nhân cách cho các em học sinh, đồng thời nâng cao năng lực sư phạm của bản thân, tôi đã mạnh dạn chọn phân môn Kể chuyện để nghiên cứu. Đó cũng chính là lý do tôi chọn đề tài “ Kinh nghiệm qua việc hướng dẫn học sinh sắm vai cho kiểu bài nghe - kể trong giờ kể chuyện lớp 5”.
II. THỰC TRẠNG 
1.Những thuận lợi :
 -Hiện nay đã có nhiều nguồn thông tin, sách báo để GV tham khảo, nghiên cứu, tự học để nâng cao tay nghề. Nội dung chương trình đã được lựa chọn biên soạn phù hợp với HS lớp năm giúp các em dễ dàng tiếp cận và ham thích phân môn kể chuyện.
 -Luôn được sự quan tâm của các cấp và nhà trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GV và HS về cơ sở vật chất. Đồ dùng dạy học cũng được trang bị tương đối đầy đủ.
-Luôn được sự ủng hộ giúp đỡ của đồng nghiệp, nhất là anh chị em trong khối Năm. 
 -Bản thân đã dạy lớp năm nhiều năm cũng có chút ít kinh nghiệm trong giảng dạy.
 - Học sinh là lớp học hai buổi vì thế việc đưa hoạt động thực hành sắm vai kể chuyện là một thuận lợi, từ đó giúp các em học tập tốt hơn.
- Học sinh đã có ý thức học tập, ham học hỏi, chuyên cần.
2.Những khó khăn : 
-Thực tế hiện nay còn có một số giáo viên chưa xem trọng giờ kể chuyện trên lớp, nên chưa có sự đầu tư đúng mức cho tiết dạy.Trong giờ kể chuyện nhiều giáo viên chỉ chú trọng cho học sinh tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, mới chỉ dừng lại ở mức yêu cầu học sinh đọc thuộc lòng truyện mà ít chú ý đến việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng kể chuyện bằng ngôn ngữ của mình. 
 - Sỉ số HS ở lớp tương đối đông, một số học sinh là người dân tộc nên việc kể chuyện bằng ngôn ngữ của mình cũng như cách diễn đạt qua từng vai của nhân vật trong truyện vẫn còn hạn chế. 
 - Thư viện chưa có nhiều sách báo để tham khảo làm tốt đề tài nghiên cứu.Thời gian chưa nhiều để nghiên cứu kỹ và tốt hơn. 
3. Số liệu thống kê:
 -Thực trạng cho thấy, đầu năm học khi tôi nhận lớp, chỉ có hơn một nửa học sinh 
(khoảng hơn 50 % học sinh) hứng thú thích được kể chuyện cho thầy cô giáo và các bạn nghe và sắm vai trong giờ kể chuyện. Số còn lại không thích tự mình kể chuyện mà chỉ thích nghe người khác kể chuyện cho nghe.
 - Trước khi thực hiện đề tài này, trong lớp có:
+ 18 /33 HS hứng thú thích kể chuyện và kể lại được toàn câu chuyện có thể hiện cảm xúc. ( 54,5% )
+ 9 / 33 HS thích nghe kể và kể được vài đoạn trong câu chuyện ( 27,3%)
+ 6/ 33 HS kể lại được vài chi tiết trong câu chuyện ( 18,2%)
III. NHỮNG GIẢI PHÁP TIẾN HÀNH
- Nội dung chương trình: 1tiết/1tuần, cả năm gồm 35 tiết, trong đó có 31 tiết kể chuyện và 4 tiết ôn tập.
Như vậy chương trình kể chuyện lớp 5 có 31 câu chuyện được chia ra thành 3 kiểu bài tập:
a. Bài tập nghe- kể gồm 10 câu chuyện. 
b. Bài tập kể chuyện đã nghe, đã đọc gồm 11 câu chuyện. 
c. Bài tập kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia gồm 10 câu chuyện.
- Căn cứ vào nội dung chương trình, yêu cầu cần đạt, cũng như quy trình dạy bài kể chuyện , tôi chọn dạng BT a ( bài tập nghe - kể), để đưa hoạt động động thực hành sắm vai cho HS vào cuối khâu học sinh tập kể chuyện của quy trình tiết dạy. Vì ở dạng BT a HS đã được nghe kể rồi, tiếp theo đó lại được kể trong nhóm vì thế sẽ dễ dàng thực hành sắm vai kể lại. Còn dạng BT b và c thì hoạt động sắm vai kể lại chuyện khó có thể thực hiện được vì cá nhân học sinh tự sưu tầm, kể lại hay cá nhân được chứng kiến câu chuyện kể lại thì việc các em sắm vai một mình là yêu cầu quá cao.
 Biện pháp thực hiện
Để giúp học sinh có hứng thú học tập trong giờ Kể chuyện, góp phần nâng cao chất lượng giờ học Kể chuyện ở Tiểu học, tôi đã xác định mục đích công việc sắm vai của HS và tiến hành hoạt động sắm vai của HS để kể lại câu chuyện như sau: 
* Mục đích của hoạt động sắm vai: Thông qua thực hành sắm vai, HS sẽ hứng thú kể lại chuyện một cách tự nhiên, giúp lớp học sinh động, nó còn giúp cho HS tìm được ý nghĩa câu chuyện dễ dàng hơn.
* Chuẩn bị: 
- Giáo viên:
+ Dự kiến và chọn ngay một nhóm HS khá, giỏi đã nắm vững nội dung cốt truyện. 
+ Đạo cụ ( mặt nạ, con rối)
+ Lời thoại
+ Địa điểm nhóm sẽ sắm vai 
- Học sinh:
+ Nhóm khá, giỏi đã nắm và kể được nội dung chuyện.
+ Thử sắm vai.
- Thời gian thử sắm vai bằng thời gian kể trong nhóm
* Trình tự tiến hành: 
- Đối với HS khá giỏi, GV chủ động chọn trước, kiểm tra xem HS kể thế nào, sau đó mới chọn.
- GV đã chuẩn bị đạo cụ, nhóm được phân công sẽ được GV gợi ý bằng cách dùng một số lời thoại (có phiếu lời thoại gợi ý)
- HS tìm địa điểm riêng để tiến hành tập sắm vai thử.
- Thời gian sắm vai thử bằng thời gian các bạn các nhóm khác tập kể trong nhóm và kể trước lớp, sau khi kết thúc phần này thì nhóm sắm vai sẽ tiến hành sắm vai kể lại chuyện.
* Các yêu cầu về kịch bản ( lời thoại), gợi ý sắm vai, phân vai, hướng dẫn HS thuộc lời thoại và nhập vai, chuẩn bị đạo cụ.
+ Soạn kịch bản.
Ở dạng BT a có 10 câu chuyện, để đảm bảo thời lượng cũng như đảm bảo tính vừa sức cho HS, tôi chọn phần nội dung sắm vai của các em có thể là toàn bộ truyện nếu là truyện ngắn, một phần trọng tâm của truyện nếu là truyện dài.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ, nắm vững cốt truyện nhớ các tình tiết, hiểu thấu đáo nội dung và nghệ thuật của truyện, tôi tiến hành soạn kịch bản dựa trên cốt truyện và lời kể trong truyện. Kịch bản cho sắm vai phải phân định rõ lời dẫn truyện và lời thoại. Lời thoại cần ngắn gọn, đủ ý, tránh rườm rà không cần thiết để học sinh mau thuộc dễ nhớ. Từ ngữ sử dụng trong lời thoại cần phù hợp với không gian, thời gian, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trong truyện, thỉnh thoảng có xen vào lời nói có vần điệu, những câu cố định, thì trong lời thoại phải giữ nguyên văn.
Trong kịch bản nên gợi ý cụ thể về cử chỉ, nét mặt, điệu bộ và ngữ điệu dựa theo kịch bản, để học sinh dễ hình dung về vai mình sẽ đóng.
Nhưng cần lưu ý kịch bản cho sắm vai không chỉ là kịch bản sân khấu hay điện ảnh, nó chỉ nhằm giúp cho các em tổ chức hoạt động, sắm vai phục vụ cho tiết học kể chuyện làm cho tiết học trở nên sinh động, mang tính nghệ thuật.
+ Chuẩn bị đạo cụ.
Đạo cụ là những đồ vật nhằm hỗ trợ cho vai diễn thêm sinh động, góp phần minh hoạ, dẫn dắt câu chuyện, chắp cánh cho trí tưởng tượng của các em bay bổng. Đạo cụ dùng cho hoạt động sắm vai cần đạt được một số yêu cầu sau:
-Khi tôi chuẩn bị hoặc hướng dẫn các em làm đạo cụ tôi luôn chú ý làm hoặc hướng dẫn các em làm sao cho đạo cụ phải phù hợp với từng vai diễn, có tác dụng hỗ trợ cho vai diễn sinh động, góp phần lột tả tính cách nhân vật, giúp các em dễ theo dõi truyện.
- Những đạo cụ tôi làm, hoặc hướng dẫn HS làm thường bằng những vật dụng dễ kiếm, dễ làm, dễ sử dụng không nên quá cầu kỳ, đắt tiền. Vì nhiều khi đạo cụ quá cầu kỳ lại làm cho các em tham gia đóng vai bị lúng túng khi sử dụng và làm mất sự chú ý vào nội dung diễn biến của câu chuyện đối với các em khác.
- Đạo cụ có thể do tôi làm hoặc do học sinh tự chuẩn bị. Việc cho học sinh tự chuẩn bị sẽ góp phần phát huy sự sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng của các em , giúp các em hiểu sâu hơn về vai diễn của mình.
+ Phân vai.
Khi phân vai tôi luôn để các em tự chọn các vai mà các em yêu thích, sau đó để các em trong nhóm thảo luận rồi chủ động phân vai hay phân công nhau. Như vậy các em sẽ hào hứng và đóng tốt vai của mình.
Ngoài ra, tôi cũng có thể chủ động chọn một nhóm học sinh khá, giao vai cụ thể cho từng em. Đây sẽ là nhóm được tôi xây dựng làm mẫu trong giờ học. Để các em đóng vai được thuận lợi, tôi căn cứ vào tính cách, giọng nói, đặc điểm ngoại hình... của từng em mà phân vai cho thích hợp.
Trong giờ học, tôi có thể chỉ định một nhóm bất kỳ, không được chuẩn bị để các em sắm vai nhằm mục đích rèn luyện cho các em tính tự tin, đồng thời cũng là cách ta kiểm tra việc nắm bài cũng như việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, Kể chuyện của các em một cách thực chất. Căn cứ vào trình độ của lớp mà giáo viên có thể lựa chọn hình thức phân vai phù hợp, sao cho em nào trong lớp cũng có thể tham gia.
+ Gợi ý sắm vai.
Để giúp học sinh nhớ được nội dung, ý nghĩa của truyện, các tình tiết trong truyện xảy ra như thế nào, tính cách của nhân vật ra sao, tôi chuẩn bị một hệ thống câu hỏi gợi ý cho các em.
Ngoài hệ thống câu hỏi trong sách giao khoa, tôi đưa ra một số câu hỏi:
- Truyện xảy ra bao giờ và ở đâu?
- Truyện có mấy nhân vật, tính cách của từng nhân vật như thế nào?
- Vậy nên chọn giọng điệu, cử chỉ như thế nào để phù hợp với tính cách của nhân vật đó?
- Em có suy nghĩ, tình cảm như thế nào đối với mỗi nhân vật trong truyện.
 - Qua câu chuyện em rút ra bài học gì?
	Với tất cả những câu hỏi gợi ý dạng như trên, HS dễ dàng trong việc sắm vai.
Kịch bản sắm vai minh hoạ
Truyện: Người đi săn và con nai
* Nhân vật:
+ Người đi săn
+ Suối
+ Cây trám
+ Vầng trăng
* Người dẫn truyện: 
Từ chập tối, người đi săn đã lôi cái súng kíp trên gác bếp xuống, xếp đạn vào chiếc túi vải chàm, rồi đeo cái đèn ló trước trán, vào rừng. Mùa trám chín, chắc nai về nhiều rồi, đi săn thôi!
* Người đi săn bước đến con suối.
- Suối róc rách hỏi: 
 - Đi đâu tối thế?
- Người đi săn: - Đi săn con nai.
- Suối bảo: - Con nai hay đến soi gương xuống mặt suối. Đừng bắn con nai!
* Người đi săn lùi lùi bước đi tới gốc cây trám, anh ngồi xuống, hạ chiếc đèn ló.
- Cây trám hỏi: - Đến chơi với tôi à?
- Người đi săn: - Không phải.
- Cây trám: - Thế đi đâu? Ở đây vắng quá! Chẳng có ai đến chơi. Đến mùa quả chín mới được nhìn thấy con nai về. Sắp đến lúc nai về đấy!
- Người đi săn: - Tớ chỉ đợi lúc ấy. Cho nó một phát!
- Cây trám: - Sao?
- Người đi săn: - Cái đèn ló này để rọi cho con nai chói mắt, không biết đường chạy, cái súng này để bắn.
- Cây trám: - Ác thế!
- Người đi săn: - Thịt nai ngon lắm.
- Cây trám rưng rưng nước mắt: 
 - Thế thì cút đi!
* Người đi săn không để ý đến những tiếng rì rào tức tưởi trên cây trám. Anh đợi.
* Thế rồi, trên lưng đồi sẫm đen dưới ánh trăng, bóng con nai hiện rõ dần. Ánh đèn ló trên trán người đi săn vụt rực lên. Hai con mắt nai đỏ như hổ phách bối rối trong làn sáng đèn. Con nai ngây ra đẹp quá. Người đi săn quên mất thịt nai ngon. Người đi săn quên hai tay đã giơ súng. Người đi săn lại nhớ ra lời suối, lời đồi, lời cây: Muôn thú và cây cỏ trong rừng là bạn, sao ta lại thèm ăn thịt bạn!
Con nai lặng yên, trắng muốt trong ánh sáng.
Người đi săn mãi ngắm con nai, mồ hôi đầm trên trán, cái dây da tụt xuống, ánh đèn ló lệch vào bóng tối, mất bóng con nai. Con nai chạy biến. Người đi săn luống cuống giơ tay đẩy chiếc dây da lên. Nhưng trong làn sáng đèn không thấy con nai đâu.
* Người đi săn ngơ ngẩn xuống đồi.
- Vầng trăng đã nhìn thấy tất cả, mỉm cười: 
 - Ngủ ngon được đấy! chúc ngủ ngon!
* Lát sau, người đi săn đã ngồi trước bếp lửa. Khẩu súng, bao đạn lại treo lên hốc cột gác bếp. Đêm ấy, trong giấc dìu dịu, anh chiêm bao thấy con nai. Chưa bao giờ anh thấy một con nai đáng yêu như thế.
+ Hướng dẫn học sinh thuộc lời thoại và nhập vai.
Để giúp các em thuộc lời thoại và nhập vai tôi đã:
- Đưa kịch bản vào phiếu học tập cho một nhóm thảo luận ngay tại lớp.
- Cho học sinh luyện đọc giọng vai của mình để thuộc lời thoại.
- Gợi ý cho nhóm khá nhận xét lựa chọn nét mặt, cử chỉ
+ Các yếu tố khác.
Ngoài các yếu tố cần chuẩn bị như đã nêu ở trên, để giờ học kể chuyện có sắm vai được thành công, tôi có thể chuẩn bị thêm:
- Về địa điểm: Có thể tổ chức giờ học ở trong lớp hay ngoài trời. Nếu tổ chức ở trong lớp, tôi đã sắp xếp lại bàn ghế để thầy trò ngồi quây quần bên nhau, tạo được không khí thân mật, ấm cúng trong tiết học đồng thời có đủ khoảng không gian cần thiết cho các em sắm vai.
- Chuẩn bị, hướng dẫn các em nếp học, cách học giờ Kể chuyện để giờ học diễn ra sôi nổi, hào hứng mang tính nghệ thuật nhưng cũng có kỷ luật.
* Kết quả dạy thực nghiệm:
Ở hoạt động HS thực hành sắm vai
Lớp 5B
Lớp 5D
Số HS cho ý kiến cảm nhận:
+Ý kiến cho là các bạn sắm vai hay
24/33em
 23/34
+Ý kiến cho là còn vài chỗ nhóm sắm vai cần khắc phục 
( giọng nói diễn cảm hơn, vị trí đứng sắm vai hợp lí hơn, vài động tác cần phải phù hợp hơn)
9/33 em 
11/34
Số nhóm đóng vai hay
1
2
- Số HS thích giờ kể chuyện lúc nào cũng có sắm vai
33 em
( 100%)
34 em
( 100%)
KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Sau một năm học áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này vào thực tế giảng dạy tôi đã tự tin hơn rất nhiều khi thực hiện giờ dạy kể chuyện qua hoạt động sắm vai cho học sinh trên lớp.Với sự tạo hứng thú cho học sinh trong tiết kể chuyện qua sắm vai ít nhiều đã thu hút học sinh học tập hơn, làm cho các em say mê hơn khi học phân môn kể chuyện. Các em rất sôi nổi và mạnh dạn khi được kể chuyện theo lối phân vai hay đóng vai. Từ sự tự tin, năng lực chủ động, phát huy tính tích cực của mình trong giờ học kể chuyện, các em đã coi mỗi tiết kể chuyện là một ngày hội, một cuộc thi thố tài năng nho nhỏ. Một số em tiếp thu chậm cũng đã mạnh dạn nêu được vài tình tiết trong câu chuyện.
Kết quả sau khi thực hiện sáng kiến kinh nghiệm được ghi bằng các số liệu
Mức độ đạt được của học sinh
Trước khi thực hiện
( Số lượng HS - tỉ lệ)
Sau khi thực hiện
( Số lượng HS - tỉ lệ)
- HS hứng thú thích kể chuyện và kể lại được toàn câu chuyện có thể hiện cảm xúc. 
 54,5% 
79 %
- HS thích nghe kể và kể được vài đoạn trong câu chuyện 
27,3%
16,3%
- HS kể lại được vài chi tiết trong câu chuyện 
18.2%
4,7% 
 BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Qua nghiên cứu thử nghiệm, bản thân tôi đã có rút ra được một số kinh nghiệm sau:
Khi dạy học người giáo viên luôn luôn nghĩ là phải làm sao tạo điều kiện cho học sinh phát huy được tính sáng tạo của mình.
Trong dạy học giáo viên không nên áp dụng một môtíp có sẵn cho tất cả các tiết học của một môn (hoặc phân môn). Các hoạt động của giáo viên không cần thiết phải cầu kì, hoa mĩ. Sự đơn giản của giáo viên biết đâu lại đem lại cơ hội sáng tạo cho học sinh, sự đơn giản của giáo viên biết đâu lại mang lại hiệu quả của 1 tiết học.
 KẾT LUẬN
Dạy học đối với giáo viên chính là một sự rèn luyện toàn diện. Kể chuyện cũng là một phân môn đòi hỏi một trình độ hiểu biết và năng lực thực hành toàn diện. Cho nên mỗi giáo viên cần phải tự bồi dưỡng tiềm lực, tự tìm tòi, nghiên cứu để cập nhật cho mình những kiến thức về nội dung chương trình, về đổi mới phương pháp dạy học là điều hết sức cần thiết đối với mỗi giáo viên Tiểu học hiện nay. Nhu cầu phát triển của xã hội nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng đòi hỏi chúng ta không ngừng học tập vươn lên, nâng cao tri thức để hoàn thành sứ mệnh “ trồng người” cho đất nước trong mai sau .
Trên đây là một số suy nghĩ, tìm tòi của tôi trong quá trình dạy phân môn Kể chuyện. Do trình độ và kinh nghiệm còn hạn hẹp nên vấn đề tôi trình bày không tránh khỏi những sai sót. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phê bình từ các thầy cô, các bạn đồng nghiệp để tôi có thể rút kinh nghiệm và vận dụng vào giảng dạy ngày càng tốt hơn!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
 Buôn Trấp, ngày14 tháng 12 năm 2010
 NGƯỜI THỰC HIỆN
 Đỗ Thị Ngọc Bích
Ý kiến của Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN TIENG VIET LOP 5.doc