Một vài suy nghĩ về việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới

Một vài suy nghĩ về việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới

Mục tiêu của trường Tiểu học nằm trong mục tiêu chung của ngành giáo dục, đó là đào tạo con người có đầy đủ tính cách của dân tộc, của đất nước; biết sống, học tập và lao động, trung thực và nhân ái. Muốn vậy, các trường học nói chung và trường Tiểu học nói riêng phải làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Một trong những con đường giáo dục cho học sinh Tiểu học tốt nhất đó là dạy học tốt môn Đạo đức. Môn Đạo đức có khả năng giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học một cách có hệ thống, giúp các em hình thành được ý thức đạo đức. (Tri thức và niềm tin đạo đức) ở mức độ sơ giản, định hướng cho các em rèn luyện một cách tự giác những hành vi, thói quen đạo đức. Môn Đạo đức cung cấp cho trẻ em những tri thức sơ đẳng về các chuẩn mực đạo đức gắn liền với các kinh nghiệm đạo đức, từ đó giúp các em định hướng giá trị đạo đức, biết phân biệt cái đúng cái sai, làm theo cái đúng, đấu tranh chống cái sai. Môn Đạo đức bồi dưỡng cho học sinh Tiểu học những cảm xúc đạo đức, thôi thúc các hành động theo những chuẩn mực đạo đức. Trên cơ sở đó, xây dựng cho các em những thói quen phù hợp với những chuẩn mực đã học.

 

doc 8 trang Người đăng huong21 Lượt xem 655Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Một vài suy nghĩ về việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một vài suy nghĩ về việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới
	I. Đặt vấn đề:
	Mục tiêu của trường Tiểu học nằm trong mục tiêu chung của ngành giáo dục, đó là đào tạo con người có đầy đủ tính cách của dân tộc, của đất nước; biết sống, học tập và lao động, trung thực và nhân ái. Muốn vậy, các trường học nói chung và trường Tiểu học nói riêng phải làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Một trong những con đường giáo dục cho học sinh Tiểu học tốt nhất đó là dạy học tốt môn Đạo đức. Môn Đạo đức có khả năng giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học một cách có hệ thống, giúp các em hình thành được ý thức đạo đức. (Tri thức và niềm tin đạo đức) ở mức độ sơ giản, định hướng cho các em rèn luyện một cách tự giác những hành vi, thói quen đạo đức. Môn Đạo đức cung cấp cho trẻ em những tri thức sơ đẳng về các chuẩn mực đạo đức gắn liền với các kinh nghiệm đạo đức, từ đó giúp các em định hướng giá trị đạo đức, biết phân biệt cái đúng cái sai, làm theo cái đúng, đấu tranh chống cái sai. Môn Đạo đức bồi dưỡng cho học sinh Tiểu học những cảm xúc đạo đức, thôi thúc các hành động theo những chuẩn mực đạo đức. Trên cơ sở đó, xây dựng cho các em những thói quen phù hợp với những chuẩn mực đã học.
	Môn Đạo đức ở Tiểu học giúp học sinh có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của các em với bản thân - gia đình - nhà trường và cộng đồng, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó. Môn Đạo đức giúp học sinh từng bước hình thành kỹ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh theo chuẩn mực đã học và kỹ năng lựa chọn và thực hiện hành vi ứng xử phù hợp trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống, biết nhắc nhở bạn cùng thực hiện. Đồng thời, nó còn giúp các em từng bước hình thành thái độ tự trọng, tự tin, yêu thương, tôn trọng con người, yêu cái đúng, cái tốt; không đồng tình với các ác, cái xấu, cái sai.
	Môn Đạo đức phải được dạy - học tốt trong suốt 5 năm - Đặc biệt coi trọng chương trình Đạo đức lớp 1. Những gì học sinh học ở lớp 1 đều là cơ sở, là cái cốt lõi của cái gốc ban đầu về đạo đức. Do đó, muốn dạy tốt chương trình Đạo đức ở Tiểu học thì trước hết phải dạy tốt Đạo đức lớp 1. Môn Đạo đức lớp 1 có những đặc thù riêng, theo chương trình thay sách 2002. 2003, Đạo đức lớp 1 gồm 14 chuẩn mực hành vi phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1 trong các mối quan hệ của các em với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên. Vậy làm thế nào để dạy học sinh lớp 1 lĩnh hội được các chuẩn mực hành vi đó một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và hiệu quả? Đó là việc đổi mới việc dạy và học môn Đạo đức cho phù hợp với nội dung, chương trình phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
	Qua thực tế, chúng ta nhìn lại cách dạy và học môn Đạo đức ở Tiểu học nói chung, ở lớp 1 nói riêng trong mấy qua cũng đã có sự cải tiến, đã có những phương pháp và hình thức dạy học môn này có hiệu quả như: Phương pháp kể chuyện, phương pháp đàm thoại, phương pháp trực quan, dạy học theo nhóm, hình thức tổ chức trò chơi học tập.. . song hiệu quả thu được chưa cao vì trong quá trình thực hiện các hình thức và phương pháp dạy học đó hầu hết học sinh chỉ biết làm theo mẫu định sẵn, thầy giảng- trò nghe, học sinh không thể hiểu hết ý nghĩa việc làm của các chuẩn mực. Những cử chỉ, hành động, lời nói của các em đều rập khuôn theo kịch bản của giáo viên. Điều đó không phát huy được tính tích cực học tập, không phát huy được tư duy của trẻ.
	Bắt đầu từ năm học 2002 - 2003, Bộ Giáo dục ra quyết định thực hiện việc thay sách đối với lớp 1. Do đó, việc đổi mới phương pháp dạy học môn Đạo đức phải phù hợp với nội dung chương trình sách giáo khoa mới.
	Do tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 1 còn ngây thơ, trong sáng, vô tư, nhận thức của các em còn thiên về tình cảm trực tiếp và cụ thể, nên các nội dung giáo dục cần phải chuyển tải đến học sinh một cách nhẹ nhàng, sinh động, thông qua các hoạt động như: đóng vai, chơi trò chơi, phân tích- xử lý tình huống, kể chuyện theo tranh để xây dựng phần kết cho các câu chuyện có kết cục mở, đánh giá và tự đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh theo các chuẩn mực hành vi đã học. Vì vậy, trong tiết dạy học môn Đạo đức, giáo viên cần tổ chức hướng dẫn học sinh tự hoạt động để học sinh phát huy vốn kinh nghiệm và thói quen đạo đức, từ đó các em tự khám phá và chiếm lĩnh tri thức mới.
	Các phương pháp và hình thức dạy học môn Đạo đức lớp 1 rất phong phú, đa dạng bao gồm cả phương pháp dạy học hiện đại như: Đóng vai, thảo luận, báo cáo, tổ chức trò chơi, động não, giải quyết vấn đề và các phương pháp truyền thống như: Kể chuyện, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan, khen thưởng. bao gồm cả hình thức học theo lớp và theo nhóm, học cá nhân, học ở lớp, ngoài sân trường Mỗi phương pháp và hình thức dạy học đều có mặt mạnh và hạn chế riêng, phù hợp với từng loại bài riêng, từng khâu riêng của tiết dạy. Vì vậy không nên quá lạm dụng hoặc phủ định hoàn toàn một phương pháp hoặc hình thức dạy học nào mà cần lựa chọn phương pháp và hình thức dạy học phù hợp với nội dung mỗi bài dạy.
	II. Giải quyết vấn đề:
	Qua thực tiễn giảng dạy - qua học tập chuyên đề và qua việc dự giờ đồng nghiệp tôi thấy: Để dạy tốt môn Đạo đức lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên cần phải nghiên cứu nắm vững mục tiêu, chương trình, nội dung sách bài tập của học sinh và sách hướng dẫn giáo viên- nhất là những điểm mới. Đồng thời, giáo viên cần tìm hiểu và tích luỹ vốn sống- nhất là liên hệ với thực tế cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương.
	Tuy nhiên, quyết định cuối cùng và trực tiếp lại chính là phương pháp dạy của giáo viên như thế nào ? Theo tôi, muốn tiết dạy Đạo đức thành công và có hiệu quả thì giáo viên phải nắm được yêu cầu của mỗi phương pháp, những mặt mạnh và hạn chế của từng phương pháp và cách thức tổ chức các phương pháp đó như thế nào ? Dưới đây là một số yêu cầu và cách tổ chức các phương pháp dạy học Đạo đức.
	* Phương pháp quan sát, nhận xét tranh:
	Đây là phương pháp mà giáo viên yêu cầu học sinh xem tranh vẽ (hoặc ảnh) trong sách bài tập học sinh (hoặc tranh được phóng to cho cả lớp quan sát); giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát cá nhân hoặc trao đổi theo nhóm rồi nói lên nhận xét: Tranh vẽ những gì ? Nói lên điều gì ? Nếu em là nhân vật (a, b) trong tranh, hoặc em gặp tình huống như trong tranh, em sẽ làm gì ?
	Sau khi đại diện các nhóm, hoặc cá nhân trình bày ý kiến, giáo viên “chốt” lại ý chính và cho vài em nhắc lại.
	Phương pháp này rất phù hợp với học sinh lớp 1, các em rất thích thú và tiếp thu bài học đạo đức một cách nhẹ nhàng và cụ thể.
	* Phương pháp xử lý tình huống (động não):
	Phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị những vấn đề, đúng hơn là những tình huống có vấn đề để tổ chức học sinh tham gia vào với tư cách chủ thể đứng trước tình huống đó để tìm ra cách giải quyết phù hợp. Cách tình huống có thể được mô tả bằng tranh vẽ, bằng lời, bằng hành vi của các nhân vật
	Giáo viên nêu rõ tình huống, yêu cầu một vài học sinh nhắc lại và các nhóm thảo luận hoặc từng cá nhân suy nghĩ, sau đó trình bày giải pháp của mình. Phương pháp này giúp học sinh tích cực động não, phát huy tất cả vốn kinh nghiệm để nắm rõ vấn đề và giải quyết vấn đề trong những điều kiện xác định, luyện tập cho học sinh tính tư duy tích cực, năng động, óc thực tế
	Phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kỹ để vấn đề nêu ra hấp dẫn, vừa sức học sinh, sát với cuộc sống thực, đảm bảo thời gian quy định.
	* Phương pháp đóng vai, mô phỏng:
	Đóng vai là phương pháp yêu cầu học sinh nhập vai vào nhân vật mà mình đóng; suy nghĩ, hành động, thể hiện tình cảm, thái độ, lời nói, cách ứng xử theo tình huống, tâm trạng, vị thế của nhân vật mà mình đóng vai. Phương pháp này trước chỉ có ở trên sân khấu hay ở các lớp mẫu giáo. Nhưng ngày nay, phương pháp này được áp dụng rất đa dạng trong tất cả các cấp học, kể cả các lớp đào tạo bồi dưỡng.
	Phương pháp đóng vai dùng cho học sinh lớp 1 là rất phù hợp với tính hiếu động, giàu tưởng tượng của các em. Khi nhập vai, các em sẽ huy động tất cả vốn sống của mình để thể hiện cho đạt. Do đó, các em đã tự học được rất nhiều mà lại nhẹ nhàng, vui vẻ, thoải mái. Sử dụng phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải phát huy phẩm chất nghệ sỹ của mình để xây dựng kịch bản sinh động và phù hợp với chủ đề bài học. Phương pháp này nên giao cho các tổ chuẩn bị để đến lớp đỡ mất thì giờ.
	Khác với đóng vai, phương pháp mô phỏng “mình vẫn là mình” nhưng rơi vào một hoàn cảnh giả định, mô phỏng theo một tình huống có thật nào đó và đòi hỏi ta phải có hành động, thái độ phù hợp với hoàn cảnh/ tình huống đó. Học sinh cũng lên trình bày diễn của chính mình.
	Ví dụ: Một hôm trời mưa, em có cái ô (dù) bạn đi cùng không có. Lúc đó, em làm thế nào ? (Thể hiện bằng hành vi diễn).
	Phương pháp này giúp học sinh làm các bài tập thực tế giả định có tác dụng rất tốt cho luyện tập, thái độ, hành vi ứng xử, làm quen với những trải nghiệm trước khi phải ứng xử thật trong cuộc sống. Giáo viên cần chọn được những tình huống mô phỏng điển hình, sát với đời sống học sinh để có tác dụng giáo dục thiết thực.
	* Phương pháp làm việc theo nhóm, thảo luận nhóm:
	Phương pháp này ngày nay được áp dụng rất phổ biến từ mẫu giáo đến đào tạo Đại học. ở nhiều trường đã quy định học sinh ngồi trong lớp với bàn ghế cá nhân để tiện di chuyển bàn ghế làm việc theo các nhóm luôn cơ động. Phương pháp làm việc theo nhóm thường được dùng như một hình thức phổ biến trong hầu hết các tiết dạy. Nhóm cùng làm việc với nhau có thể chỉ là nhóm cặp đôi gồm 2 học sinh, nhóm nhỏ trong lớp thường khoảng 4 - 6 học sinh là tất nhất vì trong 5 - 7 phút các thành viên của nhóm đều có thể được thảo luận, cùng nhau phối hợp làm việc. Nhóm trưởng và các thành viên của nhóm nên luân phiên, cơ động để các em tạo được nhiều mối quan hệ, quen với nhiều vai trò, vị thế Bản thân việc đó đã là một cách học rất sinh động, tạo được mối quan hệ thân thiện hợp tác trong cả lớp.
	Giáo viên có thể giao một nhiệm vụ giống nhau cho tất cả các nhóm, cũng có thể giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ khác nhau hoặc mấy nhóm một nhiệm vụ để kích thích thi đua, giáo viên có thể cho điểm theo nhóm hoặc thưởng cho những nhóm hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc Thảo luận nhóm là một cách làm việc theo nhóm, nhưng chỉ đơn thuần các cá nhân trong nhóm cùng trao đổi miệng về một vấn đề do giáo viên nêu ra. Nhóm trưởng điều khiển và cử người đại diện nhóm phát biểu ý kiến chung của nhóm. Nếu giáo viên đàm thoại trực tiếp thì chỉ được vài em phát biểu, còn thảo luận nhóm thì tất cả học sinh được phát biểu ở nhóm. Hơn nữa các em được cùng nhau chia sẻ ý nghĩ, thái độ và tạo ra môi trường sư phạm tương tác rất tốt. Cần tập cho học sinh tác phong khẩn trương, tích cực làm việc theo nhóm có hiệu quả trong vòng 5 - 7 phút.
	* Phương pháp đàm thoại:
	Có đôi lúc thay vì thảo luận nhóm, giáo viên nêu câu hỏi chung để cả lớp suy nghĩ và cho từng học sinh phát biểu độc lập, trực tiếp. Nếu có ý kiến khác nhau để tranh luận thì đàm thoại càng sôi nổi. Phương pháp này sử dụng đúng sẽ thể hiện quan hệ dân chủ, bình đẳng, cởi mở giữa thầy và trò, phát huy được tính tích cực, chủ động, mạnh dạn của trò - Đây là phương pháp kết hợp trong tất cả các phương pháp. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi nảy sinh vấn đề , giáo viên có thể nêu trực tiếp trước lớp để cả lớp động não, đàm thoại.
	* Phương pháp kể chuyện:
	Kể chuyện là phương pháp truyền thống trong giảng dạy Đạo đức ở Tiểu học. Trước đây thường dạy theo quy trình: kể câu chuyện - đàm thoại - giáo viên rút ra những liên hệ và kết luận đạo đức. Cách đó rất phù hợp với học sinh Tiểu học, nhưng dùng nhiều sẽ nhàm chán và ít kích thích học sinh suy nghĩ theo nhiều khía cạnh của cuộc sống thực và cách xử lý phù hợp, phương pháp kể chuyện như trước vẫn áp dụng tốt, nhưng nay có thể vận dụng linh hoạt hơn: Có thể dùng câu chuyện để minh họa thêm, để nêu vấn đề cho các nhóm thảo luận; câu chuyện có thể để mở cho học sinh tự do suy nghĩ và trình bày các kết cục khác nhau. Chọn được câu chuyện phù hợp chủ đề bài dạy và có tính chất nghệ thuật sẽ luôn hấp dẫn học sinh Tiểu học và có tác dụng giáo dục tốt.
	Giáo viên nên gợi ý cho học sinh tìm hiểu câu chuyện người tốt việc tốt ở trường mình, địa phương mình hay trên sách báo để dẫn chứng cho những bài học Đạo đức. Những sưu tầm này cũng là sản phẩm tốt cho bài học Đạo đức.
	* Phương pháp trò chơi:
	Đây là phương pháp thông qua một trò chơi hồn nhiên, thoải mái mà giúp trẻ học được cách ứng xử trong quan hệ đạo đức. Cùng với học, chơi là nhu cầu không thể thiếu được của học sinh Tiểu học. Qua trò chơi, trẻ không những được phát triển về các mặt trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ mà còn được hình thành những phẩm chất và hành vi đạo đức. Chính vì vậy, trò chơi được sử dụng trong tiết học Đạo đức như là một phương pháp dạy học quan trọng để giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh. Nội dung trò chơi sẽ minh hoạ một cách sinh động cho các mẫu hành vi đạo đức. Nhờ vậy những mẫu hành vi này sẽ tạo được những biểu tượng rõ rệt ở học sinh, giúp các em ghi nhớ dễ dàng và lâu bền. 
 Qua trò chơi, học sinh được luyện tập những kỹ năng, những thao tác hành vi đạo đức, được thể hiện hành vi một cách đúng đắn, tự nhiên. Qua trò chơi, học sinh có cơ hội thể hiện những chuẩn mực hành vi và sẽ hình thành được ở học sinh niềm tin về những chuẩn mực hành vi đã học tạo ra động cơ bên trong cho những hành vi ứng xử trong cuộc sống. Qua trò chơi, học sinh sẽ được rèn luyện khả năng biết lựa chọn cho mình cách ứng xử phù hợp đúng đắn. Biết nhận xét đánh giá hành vi của người khác. Bằng trò chơi, việc luyện tập hành vi đạo đức được tiến hành một cách nhẹ nhàng, sinh động, không khô khan, nhàm chán. Học sinh được lôi cuốn vào quá trình luyện tập một cách tự nhiên hứng thú, tránh sự mệt mỏi, căng thẳng.
	Trò chơi để giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh lớp 1 rất phong phú, đa dạng có thể là: Chơi đố vui, chơi hái hoa dân chủ, chơi tìm đôi, chơi “Nếu thì”, chơi gắn hoa
	Ví dụ: Trò chơi “Vòn tròn giới thiệu tên”, “tặng hoa”, “ghép hoa”, “vòng tròn chào hỏi”
	Trước khi tổ chức cho học sinh chơi, giáo viên cần nêu tên trò chơi, cách chơi và làm mẫu cho học sinh chơi thử -> chơi thật, các trò chơi phải dễ tổ chức và dễ thực hiện. Phải phù hợp với chủ đề đạo đức, với đặc điểm và trình độ học sinh, với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của lớp học. trò chơi phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh tham gia tổ chức, điều khiển tất cả các khâu chuẩn bị, tiến hành trò chơi và đánh giá sau khi chơi.
	Sau khi chơi, giáo viên cần cho học sinh thảo luận để nhận ra ý nghĩa giáo dục của trò chơi.
	III. Kết luận:
	 Như chúng ta đã biết, mỗi phương pháp và hình thức dạy học Đạo đức đều có mặt mạnh và hạn chế riêng, phù hợp với từng loại bài riêng, từng khâu riêng của tiết dạy. Vì vậy, muốn tiết dạy thành công và có hiệu quả thì không nên quá lạm dụng hoặc phủ định hoàn toàn một phương pháp dạy học nào. Điều quan trọng là cần căn cứ vào nội dung, tính chất từng bài; căn cứ vào trình độ học sinh và năng lực sở trường của giáo viên, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng trường, từng lớp mà lựa chọn và vận dụng các phương pháp dạy học một cách hợp lý, đúng mức.
Qua quá trình dạy học, nhờ áp dụng và vận dụng tốt các phương pháp dạy học Đạo đức mà bản thân tôi trong những năm qua đã có những thành công trong quá trình giảng dạy. Học sinh tiếp thu các tri thức đạo đức một cách tự nhiên nhẹ nhàng, hiệu quả, không bị ép buộc, gò ép. Hầu hết học sinh đều có ý thức tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã học.
	Trên đây là những suy nghĩ của bản thân tôi về việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Đạo đức ở lóp 1 hiện nay. Rất mong được sự góp ý của các cấp lãnh đạo và các đồng nghiệp. 

Tài liệu đính kèm:

  • docĐạo Đức lớp 1.doc