Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5

Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5

Đặc trưng cơ bản của phân môn tập làm văn là tính tổng hợp, thực hành, sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân của học sinh trong quá trình tạo lập ngôn bản.Làm văn là một hoạt động giao tiếp.Vì vậy, việc dạy làm văn cho các em học sinh thực chất là dạy cho các em nắm được cơ chế của việc sản sinh ngôn bản nói và viết theo đúng các quy tắc ngôn ngữ, quy tắc giao tiếp nhằm đạt được mục tiêu giao tiếp.

Nhưng thực tế với các em học sinh hiểu văn đã khó, viết văn lại càng khó hơn .Đặc biệt là các em mới bắt đầu làm quen với nghệ thuật ngôn từ .Mỗi học sinh có mỗi tư duy suy nghĩ riêng nên cách dùng từ, đặt câu, bố cục cũng khác nhau và sẽ có những bài viết khác nhau.Cho nên có nhiều bài viết còn sơ sài, miêu tả liệt kê, không đi vào trọng tâm, không thu hút người đọc. Là giáo viên dạy lớp 5 tôi tự nghĩ rằng cần phải chú trọng rèn kỹ năng viết bài văn cho các em phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và khả năng tư duy của học sinh lớp mình nhằm giúp các em có khả năng nói ,viết lưu loát tạo tiền đề cho các em học tốt phân môn tập làm văn sau này.Học tốt tập làm văn cũng chính là hình thành nhân cách làm người cho các em.Chính vì thế,tôi chọn đề tài: “Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5” thực hiện trong năm học này.

 

doc 13 trang Người đăng hang30 Lượt xem 690Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 I/LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
 1/Đặt vấn đề:
 Đặc trưng cơ bản của phân môn tập làm văn là tính tổng hợp, thực hành, sáng tạo và mang đậm dấu ấn cá nhân của học sinh trong quá trình tạo lập ngôn bản.Làm văn là một hoạt động giao tiếp.Vì vậy, việc dạy làm văn cho các em học sinh thực chất là dạy cho các em nắm được cơ chế của việc sản sinh ngôn bản nói và viết theo đúng các quy tắc ngôn ngữ, quy tắc giao tiếp nhằm đạt được mục tiêu giao tiếp.
Nhưng thực tế với các em học sinh hiểu văn đã khó, viết văn lại càng khó hơn .Đặc biệt là các em mới bắt đầu làm quen với nghệ thuật ngôn từ .Mỗi học sinh có mỗi tư duy suy nghĩ riêng nên cách dùng từ, đặt câu, bố cục cũng khác nhau và sẽ có những bài viết khác nhau.Cho nên có nhiều bài viết còn sơ sài, miêu tả liệt kê, không đi vào trọng tâm, không thu hút người đọc. Là giáo viên dạy lớp 5 tôi tự nghĩ rằng cần phải chú trọng rèn kỹ năng viết bài văn cho các em phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và khả năng tư duy của học sinh lớp mình nhằm giúp các em có khả năng nói ,viết lưu loát tạo tiền đề cho các em học tốt phân môn tập làm văn sau này.Học tốt tập làm văn cũng chính là hình thành nhân cách làm người cho các em.Chính vì thế,tôi chọn đề tài: “Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5” thực hiện trong năm học này.
2/Mục đích đề tài:
-Rèn luyện cho các em những kỹ năng viết văn để tạo lập ra những văn bản miêu tả hoàn chỉnh mang tính sáng tạo cá nhân.
-Thông qua cách sử dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, nhân hóa,...giúp các em phát triển tư duy hình tượng khi miêu tả.
-Mở rộng vốn từ để giúp các em diễn đạt lưu loát, mạch lạc, tự tin hơn và phát triển nhân cách con người mới.
 3/Lịch sử đề tài:
Đầu năm học 2008-2009, tôi được phân công dạy lớp 5.Qua tìm hiểu thực tế lớp, tôi nhận thấy kết quả bài tập làm văn của các em đạt kết quả không cao.Vì thế, tôi chọn đề tài “Rèn luyện kỹ năng viết bài tập làm văn cho học sinh lớp 5” để thực hiện trong năm học 2008-2009.
 4/Phạm vi đề tài:
 Phân môn tập làm văn bao gồm nhiều thể loại văn. Nhưng đề tài giới hạn ở việc rèn kỹ năng viết văn miêu tả.
II/NỘI DUNG CÔNG VIỆC ĐÃ LÀM:
 1/Thực trạng đề tài:
Qua khảo sát chất lượng đầu năm học của môn TIẾNG VIỆT, bài viết tập làm văn được thống kê với kết quả cụ thể như sau:
Tổng số bài
Điểm
 9-10
Điểm 
7-8
Điểm
 5-6
Điểm dưới 5
21
2
3
10
6
Từ thực trạng trên, tôi đã tìm hiểu đa số các bài viết của các em còn bị điểm thấp là do các nguyên nhân sau:
-Do các em còn nghèo vốn từ, không biết sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa,
-Chưa biết vận dụng kết quả quan sát thực tế vào bài làm.
-Diễn đạt ý rời rạc, chỉ liệt kê sự việc.
 2/Nội dung cần giải quyết:
Từ những nguyên nhân trên mà bài văn của các em thường rất ngắn, sơ sài.Tôi thấy cần có những giải pháp giúp các em học tốt tập làm văn để góp phần nâng cao chất lượng học tập.Để đạt được điều đó, bản thân tôi cần phải thực hiện những nội dung sau:
- Làm giàu vốn từ cho học sinh.
- Hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng từ.
-Tập cho học sinh diễn đạt câu văn có hình ảnh.có sử dụng biện pháp tu từ.
-Tập cho học sinh viết đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ về ý.
3/Biện pháp thực hiện:
1. Làm giàu vốn từ:
*Do vốn từ của các em còn nghèo nàn, vì vậy các em thường viết những đoạn văn khô khan thiếu gợi tả, gợi cảm không hấp dẫn người đọc, người nghe.Để bài tập làm văn đạt kết quả, khâu làm giàu vốn từ ngữ là không thể bỏ qua. Song việc làm này có thể thông qua các phân môn khác nhau của môn TIẾNG VIỆT giúp học sinh tích lũy được vốn từ. Chẳng hạn ở phân môn tập đọc, các em có thể hiểu được nghĩa của một số từ, cảm nhận được những từ ngữ gợi tả màu sắc, hình ảnh, âm thanh,...những từ chỉ hoạt động cũng như nghệ thuật miêu tả.
Ví dụ : Học bài “ Sắc màu em yêu” ( TV5 – tập 1) học sinh phát hiện được những sắc màu gần gũi của cảnh vật xung quanh ta được phản ánh trong bài : Cảnh thiên nhiên ( nắng rực rỡ , bầu trời cao vời vợi ) ,cảnh đồng bằng , rừng núi, 
Học bài : “ Người thợ rèn’’( TV5 –tập 2 ) các em thấy được cái hay của nghệ thuật miêu tả mà tác giả đã chọn .Để tả bác thợ rèn tác giả chọn những vật quen thuộc trong lò rèn để so sánh : mắt trong ngời như thép , tiếng thở như nhịp thở phì phò của ống bễ, những chiếc xương sườn như cái lồng bằng sắt .Tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất sáng tạo:búa “nhảy múa”, búa “in gót”, tiếng búa “tốc, tốc, tốc, tốc”.Qua đó, trí tưởng tượng và khả năng cảm thụ hình tượng văn học của các em dần dần được hình thành và phát triển.
*Giúp các em làm giàu vốn từ thông qua các giờ học mở rộng vốn từ của phân môn luyện từ và câu.
Ví dụ: Cho học sinh tìm từ nói về vui, buồn, các em tìm được như sau:
+ Vui: phấn khởi, hồ hởi, hân hoan, khoan khoái, mừng rỡ, hớn hở, tung tăng
+ Buồn: ủ rũ, rũ rượi, buồn rầu, bùi ngùi, tư lự, ỉu xìu, thở dài, buồn bã
Bài: Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên- Trang 87(TV5- tập1) các em sẽ biết được một số từ ngữ thể hiện sự so sánh bầu trời: xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao; từ ngữ thể hiện sự nhân hóa bầu trời: được rửa mặt sau cơn mưa, ghé sát mặt đất, cúi xuống lắng nghe để tìm xem,...
*Làm giàu vốn từ theo các đề tài nhỏ.Các đề tài cần gắn chặt với các thể văn đang học giúp các em có thêm hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người, mở rộng vốn từ, nâng cao khả năng diễn đạt.
Ví dụ: Học văn tả cảnh: cho các em tìm những từ láy gợi tả âm thanh trên dòng sông (bì bõm, lăn tăn, lao xao, ì ọp, ào ào, xôn xao); tìm những hình ảnh so sánh để so sánh với con sông (Dòng sông như dải lụa, dòng sông như người mẹ ôm ấp đồng lúa)
Học văn tả người: cho các em tìm các từ về khuôn mặt (bầu bĩnh, thon thỏn, mặt tròn) đôi mắt (đen láy, long lanh, trong sáng, đỏ ngầu...) giọng nói (trong trẻo, lanh lảnh, ngọt ngào, ấp úng, huyên thuyên...) tính nết (nóng nảy, khoác lác, hiền hậu, vui vẻ, bạo dạn, gắt gỏng...)
* Ngoài ra nhằm giúp các em có vốn từ nhất định để học văn tốt, tôi động viên các em nên có sổ tay “vốn từ” và hình thành thói quen khi đọc sách, báo, bài văn... gặp từ hay thì ghi ngay vào sổ theo chủ đề. Đồng thời, tôi kiểm tra hàng tháng, biểu dương những học sinh có sổ tay ghi chép được nhiều từ mới.
 2. Rèn luyện kĩ năng sử dụng từ ngữ:
* Học sinh có được vốn từ nhưng sử dụng như thế nào để có hiệu quả khi viết các đoạn văn. Do đó việc hướng dẫn các em sử dụng từ ngữ hay trong viết văn là một việc làm hết sức quan trọng.Tôi hướng dẫn cho các em làm quen dần với các mức độ từ dễ đến khó qua các dạng bài tập khác nhau.Thông qua cách sử dụng các từ ngữ này học sinh biết diễn đạt các sự vật, hiện tượng được miêu tả bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ: 1/ Hãy chọn từ thích hợp trong các từ sau: ríu rít, líu lo, liếp chiếp, rộn ràng, tấp nập, là là, từ từ, tíu tít, hối hả để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau: 
“Tiếng chim...,.. báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Ông mặt trời... nhô lên từ lũy tre làng.Khói bếp nhà ai... bay trong gió.Đàn gà con...... gọi nhau..... theo chân mẹ. Đường làng đã.....,.. người qua lại.”
2/Em hãy thay thế những từ in nghiêng trong các câu văn sau bằng những từ đồng nghĩa có giá trị biểu cảm:
“Buổi chiều trên cánh đồng quê em đẹp và yên tĩnh.Bầu trời xanh, đồng lúa xanh, con đường nhỏ như dải lụa. Thấp thoáng những đàn cò trắng.Chúng em tung tăng thả diều trên triền đê.Đàn trâu từ từ gặm cỏ.Hoàng hôn dần buông xuống.Cảnh vật chuyển mình chờ màn đêm đến.
3/Tìm những từ gợi tả màu sắc của đồng lúa chín điền vào chỗ chấm trong đoạn văn sau: “Trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa chín.......những bông lúa......đang chờ tay người đến gặt, hạt lúa căng tròn béo múp......hứa hẹn một mùa......no ấm bội thu.”
* Trong các giờ dạy, tôi luôn quan tâm đến việc chữa lỗi về dùng từ trong đoạn văn của các em.Tôi dùng những câu hỏi gợi mở giúp các em tự phát hiện ra từ dùng thiếu chính xác, rồi dùng từ thích hợp để thay thế, không nên áp đặt cho học sinh.
Ví dụ: Qua đề bài: “Tả người bà mà em kính yêu”. Có học sinh viết: “Bà của em có đôi mắt hiền lành.”
Hướng dẫn sửa:
-Theo các em, từ “hiền lành” nghĩa là gì? (Học sinh trả lời)
-Giáo viên chốt lại: từ “hiền lành” là tính từ nói về tính tình của người hoặc vật nói chung.Còn ở đây tả đôi mắt của bà.Vậy các em hãy tìm từ thay thế cho thích hợp hơn.
-Học sinh phát biểu, sau đó tôi hướng dẫn, chốt lại các em sẽ chọn được từ: “hiền từ”. Viết lại câu: “Bà em có đôi mắt hiền từ”.
+ Khi tả chú gà trống, có học sinh viết: “Chú gà trống vỗ cánh bành bạch.” Xét về ngữ nghĩa, cú pháp thì câu hoàn toàn đúng, song từ “bành bạch” là từ tượng thanh, chỉ cho ta nghe âm thanh khi chú gà trống vỗ cánh.Giáo viên gợi mở cho học sinh tìm từ khác nói lên vẻ oai vệ của chú gà trống qua đôi cánh.Học sinh sẽ tìm được từ để thay thế là“phành phạch” vừa gợi tả âm thanh, vừa gợi cho ta thấy hình ảnh đôi cánh chú gà trống vừa mạnh vừa khỏe. Viết lại câu: “Chú gà trống vỗ cánh phành phạch.”
Việc rèn kĩ năng dùng từ cho các em là cần thiết.Hoạt động này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ thực hiện trong các tiết dạy của giáo viên.Đồng thời nhắc nhở các em nắm vững đặc điểm của từng kiểu bài tập làm văn mà lựa chọn những động từ chỉ hoạt động, động từ chỉ trạng thái cho sát hợp; dùng những tính từ gợi tả hình ảnh, cảm xúc, những từ gợi tả âm thanh, tượng hình cho thích hợp; dùng các hình ảnh so sánh, nhân hóa để vừa gợi tả cho cụ thể, vừa thể hiện được tình cảm của mình với đối tượng được miêu tả. Có như thế sẽ giúp cho các em không chỉ dùng từ đúng mà còn hướng tới cách viết hay, độc đáo, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng bài tập làm văn.
 3. Hướng dẫn học sinh diễn đạt câu văn có hình ảnh và có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật đã học:
Khi các em diễn đạt câu văn không có hình ảnh và không có sử dụng biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa thì câu văn trở nên khô khan, tẻ nhạt, khó thu hút người đọc.Do đó trong các tiết luyện từ và câu tôi hướng dẫn kĩ các em luyện tập qua các bài tập rèn kĩ năng viết đoạn văn, tôi luôn gợi ý các em lập ý trước khi cho học sinh viết thành lời văn cụ thể.
Ví dụ: *Bài tập 3- trang 88 (TV 5- tập 1)
Giáo viên gợi ý:
Em chọn từ ngữ nào trong mẩu chuyện trên.
Quê em có những hình ảnh gì đẹp?(HS kể: lũy tre, con đê, đồng ruộng...)
Em hãy đặt câu có sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa và phải biết bộc lộ tình cảm của mình về quê hương trong câu văn.
Đối với các bài tập này, tôi luôn hướng dẫn sửa bài trên bảng lớp để giúp các em trình bày và diễn đạt các ý bằng nhiều cách khác nhau đồng thời bộc lộ được những cảm xúc riêng của từng học sinh.Có như thế, bài làm các em thêm phong phú và sinh động.Từ đó giúp các em thêm hứng thú trong học tập.
Ngoài ra trong các tiết luyện tập tả cảnh, tả người, tôi gợi cho các em liên tưởng khi miêu tả biết kết hợp với những hình ảnh gợi cảm như: dạy văn tả người, tôi hỏi: ngoại hình cần tả những chi tiết nào? (Mái tóc, hàm răng nước da,...) Những đặc điểm trên miêu tả bằng câu văn có dùng biện pháp so sánh như thế nào?Học sinh phát biểu, giáo viên giúp các em diễn đạt rõ ràng hơn như: mái tóc dài mượt mà buông thả, thướt tha như dòng suối, nước da trắng như trứng gà bóc...Dạy văn tả cảnh như tả ngôi trường, giáo viên gợi ý học sinh diễn đạt các đặc điểm( cổng trường, ô cửa lớp học, bác trống trường,...) miêu tả bằng những câu văn có hình ảnh nhân hóa như: Cổng trường đang giang rộng vòng tay đón chúng em vào lớp...
Nếu học sinh diễn đạt chưa sử dụng biện pháp nghệ thuật thì tôi gợi ý bằng cách chia thành các ý nhỏ cho nhiều học sinh phát biểu sau đó chắt lọc, hướng dẫn cho các em thấy cách nào được, cách nào chưa được để phát huy hay sửa chữa
Ví dụ: Khi tả giờ ra chơi có em nêu: “Từ các lớp, học sinh ùa ra. Sân trường trở nên ồn ào.Những chiếc áo, khăn quàng bay nhộn nhịp.”
Nội dung các em miêu tả là đúng yêu cầu, câu văn rõ ý. Nhưng tôi gợi ý các em nên lựa chọn những hình ảnh để so sánh tạo ra đoạn văn cụ thể, sinh động giúp cho người đọc thêm thích thú như: Các em thấy khi ra chơi các bạn ùa ra có đông không? Tôi gợi cho các em liên tưởng để tìm được hình ảnh để so sánh như đàn ong vỡ tổ, chim sổ lồng,...Từ đó, các em sẽ viết được nội dung các câu văn sinh động.
“Từ các cửa lớp, học sinh ùa ra sân như đàn ong vỡ tổ, sân trường bỗng trở nên ồn ào náo nhiệt.Những chiếc áo trắng, khăn quàng đỏ bay thật nhộn nhịp như những đàn bướm đủ màu sắc bay rập rờn.”
 4/ Rèn kỹ năng viết đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ về ý:
Để thực hiện tốt kỹ năng này, trước hết cần phải quan sát kỹ đối tượng.Vì vậy, giáo viên cần có sự hướng dẫn khá tỉ mỉ để các em quan sát tìm được nhiều ý để miêu tả.Ví dụ, quan sát để làm bài văn tả cảnh cần giúp học sinh phát hiện những nét đặc sắc của bầu trời, sông núi, nhà cửa, cây cối... Quan sát một người để miêu tả phải tìm được những nét riêng biệt về hình dáng, khuôn mặt, giọng nói, tính tình của người đó thì bài tả mới sinh động. Sau khi tìm được các ý cho bài văn, làm thế nào để các em sắp xếp theo trình tự hợp lý, tôi hướng dẫn các em lập thành dàn ý. Để các em chủ động viết bài, tôi hướng dẫn các em cách viết từng loại đoạn và cách nối kết các đoạn trong bài. Ví dụ: phần thân bài gồm có nhiều đoạn liên kết với nhau được diễn tả theo một trình tự nhất định nhằm minh họa ý chính. Nên tôi hướng dẫn các em sử dụng những biện pháp liên kết câu đơn giản đã học ở phân môn Luyện từ và câu như: liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ, bằng cách thay thế từ ngữ, bằng từ ngữ nối. Để bài làm có bố cục chặt chẽ, tôi còn gợi ý các em liên kết các đoạn bằng những từ ngữ như: chẳng bao lâu, tuy vậy, từ đó, trong khi đó,... Mở đầu đoạn tiếp theo bằng những câu nối vào ý khác làm cho bài văn mạch lạc hơn.
Bên cạnh đó, vào những tiết trả bài tập làm văn, tôi cho học sinh luyện viết lại phần mở bài, kết bài hay một đoạn của phần thân bài để các em sửa chữa những lỗi sai mà giáo viên nhận xét.Đồng thời giúp các em có ý thức hơn về sự diễn đạt các câu văn liền mạch, có quan hệ về ý với nhau, không rời rạc, lộn xộn. Tôi tiếp tục luyện tập thêm cho các em cách sắp xếp ý trong đoạn văn qua các tiết thực hành ở các buổi học chiều.Qua luyện tập, giúp các em quen dần và có ý thức sắp xếp câu có quan hệ chặt chẽ về ý tránh được hiện tượng liệt kê trong khi tả. 
 Ví dụ: Tôi cho các em chơi trò chơi: “Ai ghép khéo”
*Mục đích:
- Dùng khi dạy bài tập làm văn: Luyện tập tả cảnh
- Giúp các em biết sắp xếp các câu một cách chặt chẽ trong đoạn văn. 
*Đồ dùng học tập:
 Phiếu học tập in sẵn đề bài. 
*Đề bài: Sắp xếp các câu sau cho thành đoạn văn chặt chẽ miêu tả cảnh trận mưa rào.
a) Mưa ù xuống khiến cho mọi người không tưởng được là mưa lại kéo đến chóng thế.
b) Lúc nãy là mấy giọt lách tách, bây giờ bao nhiêu nước tuôn rào rào.
c) Mưa đến rồi, lẹt đẹt...lẹt đẹt...mưa giáo đầu.
d) Những giọt nước lăn xuống mái phên nứa: mưa thực rồi.
e) Nước xiên xuống, lao xuống, lao vào trong bụi cây.
g) Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẫy.
h) Con gà sống ướt lướt thướt ngật ngưỡng tìm chỗ trú.
i) Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa.
k) Mưa rào rào trên sân gạch.
l) Mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối.
m) Tiếng giọt tranh đổ ồ ồ...
n) Trong nhà bỗng tối sậm, một mùi nồng ngai ngái, cái mùi xa lạ, man mác của những trận mưa mới bắt đầu. 
* Hình thức tổ chức:
- Giáo viên chia nhóm 4 học sinh.
- Phát phiếu bài tập in sẵn.
- Giáo viên yêu cầu các em cắt rời từng ý trong đoạn văn. Sau đó các em trao đổi trong nhóm để sắp xếp các ý theo trình tự hợp lý tả về cảnh một trận mưa rào rồi trình bày kết quả vào bảng nhóm.
- Các nhóm thực hiện, giáo viên theo dõi bao quát lớp đồng thời hướng dẫn nhóm học sinh yếu bằng cách gợi ý dễ hiểu, dễ liên tưởng được cảnh như đang diễn ra: các em đã từng nhìn thấy cơn mưa chưa? Vậy trời bắt đầu mưa thì thế nào?Rồi mưa có lớn dần không?Nước mưa rơi xuống những đâu?Có những âm thanh nào?...
- Cho một vài nhóm trình bày, giáo viên hướng dẫn các nhóm khác nhận xét, sửa chữa. Sau đó giáo viên nhận xét, chốt lại đáp án đúng để các em theo dõi.Tuyên dương những nhóm làm tốt.
 4/Kết quả chuyển biến:
Với những biện pháp vừa nêu trên đã giúp cho bài làm của học sinh thể hiện đầy đủ hơn về nội dung.Câu văn có hình ảnh và biết sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong miêu tả. So với đầu năm học thì điểm bài kiểm tra được nâng cao dần.Cụ thể như sau:
Các giai đoạn kiểm tra
Tổng số bài kiểm tra
Kết quả kiểm tra
Giỏi
(9-10)
Khá 
(7-8)
Trung bình (5-6)
Yếu (dưới 5)
Đầu năm
21
2
3
10
6
Cuối HKI
21
6
7
6
2
Cuối HKII
20 (chuyển trường 1)
7
10
3
0
 Các biện pháp trên đã trang bị cho các em những kiến thức và kĩ năng về cách viết bài văn miêu tả.
 III/KẾT LUẬN:
 1/Tóm lược giải pháp:
Để giúp các em viết được bài văn đạt hiệu quả, giáo viên cần phải thực hiện những yêu cầu sau:
- Phải kiên trì nắm bắt tình hình học sinh đến từng đối tượng xem các em yếu cái gì? Qua đó để có biện pháp dạy, bồi dưỡng thích hợp cho các em .
- Giáo viên phải kiên trì hướng dẫn học sinh luyện tập và giúp các em sửa chữa lỗi dùng từ, đặt câu, giúp các em biết diễn đạt có nghệ thuật, có bộc lộ cảm xúc để câu văn sinh động, bài làm đạt kết quả cao.
- Hướng dẫn học sinh biết sử dụng các biện pháp liên kết câu đơn giản để diễn đạt đoạn văn chặt chẽ về ý.
- Phải dạy tốt các phân môn Tiếng Việt.
- Hướng dẫn học sinh tích lũy “vốn từ” vào sổ tay của mình khi đọc sách, báo, bài văn... phát hiện từ hay.
- Khơi dậy tính kiên trì học hỏi, rèn luyện ở các em.
- Tuyên dương kịp thời những học sinh có tiến bộ, thường xuyên chú trọng phụ đạo học sinh yếu.
 2/Phạm vi đối tượng áp dụng:
 Với sáng kiến kinh nghiệm trên có thể áp dụng cho các em khối lớp 5 ở tiểu học.

Tài liệu đính kèm:

  • docsang kien kinh nghiem(6).doc