Dạy học các bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5

Dạy học các bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5

DẠY HỌC CÁC BÀI VỀ

Từ đồng âm , từ nhiều nghĩa ở lớp 5

 Trần Trung Huy (Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành - Hải Dương)

 Vấn đề từ đồng âm và từ nhiều nghĩa đã để các thầy cô giáo tốn khá nhiều giấy mực để nói đến trên các tạp chí chuyên ngành. Trước hết phải chân thành cảm ơn các thầy cô giáo đã yêu nghề và yêu Tiếng Việt nên đề cập vấn đề đó trong nhiều bài viết mà các diễn đàn chuyên ngành đã đăng tải. Nhưng đọc đã nhiều mà thấy hình như chúng ta hiểu hiện tượng ngôn ngữ đó chưa thấu đáo. Nhất là cách giải quyết một số trường hợp phân biệt đồng âm - nhiều nghĩa, nghĩa gốc - nghĩa chuyển không thuyết phục để người đọc lúng túng không biết hiểu thế nào. Có thầy giáo còn coi vấn đề đó là “phong ba bão táp” , thậm chí có cô giáo THCS dẫn chứng sai kiến thức mà không thấy bạn đọc hồi âm gì cả

 Riêng người viết bài này thì không quan niệm như vậy. Phải thừa nhận ngữ pháp là vấn đề khó. Mà ngữ pháp của ngôn ngữ nào cũng khó chứ không riêng tiếng Việt của chúng ta. (Tiếng nước ngoài cũng có giống, có cách, có ngôi, có thời, chứ không phải cứ ghép vào với nhau là thành câu được). Tôi đã từng một lần viết về phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Nay xin phép quý thầy cô được nói kĩ hơn về vấn đề này và nhất là được đưa ra cách dạy học loạt bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5.

 

doc 6 trang Người đăng hang30 Lượt xem 778Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Dạy học các bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DẠY HỌC CÁC BÀI VỀ
Từ đồng âm , từ nhiều nghĩa ở lớp 5
 Trần Trung Huy (Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành - Hải Dương)
 Vấn đề từ đồng âm và từ nhiều nghĩa đã để các thầy cô giáo tốn khá nhiều giấy mực để nói đến trên các tạp chí chuyên ngành.. Trước hết phải chân thành cảm ơn các thầy cô giáo đã yêu nghề và yêu Tiếng Việt nên đề cập vấn đề đó trong nhiều bài viết mà các diễn đàn chuyên ngành đã đăng tải. Nhưng đọc đã nhiều mà thấy hình như chúng ta hiểu hiện tượng ngôn ngữ đó chưa thấu đáo. Nhất là cách giải quyết một số trường hợp phân biệt đồng âm - nhiều nghĩa, nghĩa gốc - nghĩa chuyển không thuyết phục để người đọc lúng túng không biết hiểu thế nào. Có thầy giáo còn coi vấn đề đó là “phong ba bão táp” , thậm chí có cô giáo THCS dẫn chứng sai kiến thức mà không thấy bạn đọc hồi âm gì cả  
 Riêng người viết bài này thì không quan niệm như vậy. Phải thừa nhận ngữ pháp là vấn đề khó. Mà ngữ pháp của ngôn ngữ nào cũng khó chứ không riêng tiếng Việt của chúng ta. (Tiếng nước ngoài cũng có giống, có cách, có ngôi, có thời,  chứ không phải cứ ghép vào với nhau là thành câu được). Tôi đã từng một lần viết về phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Nay xin phép quý thầy cô được nói kĩ hơn về vấn đề này và nhất là được đưa ra cách dạy học loạt bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5.
1. Kiến thức và sách giáo khoa
 Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa được dạy ở Tiếng Việt 5 Tiểu học trong các tuần 5,6,7 và được củng cố trong các bài ôn tập của chương trình Tiếng Việt 5.
 Mục tiêu của các bài học này là cung cấp những khái niệm ban đầu về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa. Giúp HS bước đầu biết phân biệt và sử dụng từ đồng âm và từ nhiều nghĩa, nghĩa gốc và nghĩa chuyển.
 Đây là mảng kiến thức khó trong chương trình Tiếng Việt 5. Khó về kiến thức dẫn đến khó về phương pháp dạy học. Trong thực tế, nhiều GV chưa hiểu nhiều về hai hiện tượng đồng âm và nhiều nghĩa trong Tiếng Việt dẫn đến chưa xử lí được một số bài tập trong quá trình dạy học đặt ra. Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứư Tiếng Việt và các tác giả của sách giáo khoa không có sự thống nhất nên GV không có cơ sở tin cậy để giải quyết vấn đề. Trong một số bài tập, các sách tham khảo lại thể hiện các quan điểm khác nhau về hai hiện tượng ngôn ngữ này nên các đồng nghiệp GV càng bất đồng khi xử lí bài tập về quan hệ đồng âm hay nhiều nghĩa. Thêm nữa, quan điểm của SGK cũ và SGK hiện hành về đồng âm và nhiều nghĩa có một số trường hợp bất đồng nhau nên nhiều Gv trước đây được đào tạo theo chương trình và SGK cũ đã thể hiện sự lúng túng trước kiến thức của SGK mới về hai hiện tượng này. Lại nữa, ngữ liệu cho phần nhận xét của SGK không hấp dẫn. Phần nhận xét của bài Từ nhiều nghĩa có nhiều bài tập và có tính chất vòng vèo mất thời gian hình thành kiến thức mới. Từ để đưa ra thực hành phân biệt đồng âm , nhiều nghĩa ở phần luyện tập không mang tính phổ biến nên rất khó xác định mà tác dụng cho việc phân biệt đồng âm nhiều nghĩa không cao .
 Nhưng nói là vậy, nếu chúng ta cứ theo nguyên tắc chiếu vào khái niệm, định nghĩa của SGK cùng những đặc điểm của nó mà các nhà viết sách đã trình bày mà xử lí cho linh hoạt thì có lẽ cũng không có gì khó cả.. Nhất là khi dạy học, ta cứ giải nghĩa chính xác từng từ rồi đối chiếu nghĩa của chúng với nhau thì quan hệ đồng âm hay nhiều nghĩa của từ bộc lộ rất tường minh.
2. Kiến thức cơ bản GV cần có
 Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa là hai hiện tượng đặc trưng về nghĩa của từ trong ngôn ngữ Tiếng Việt. Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa được hình thành theo quy luật tiết kiệm ngôn ngữ. Sự vật, hiện tượng trong tự nhiên thì nhiều mà từ ngữ thì có hạn. Do vậy, con người phải sáng tạo trong cách gọi tên các sự vật, hiện tượng. Trên thế giới, hiện tượng đồng âm và nhiều nghĩa không riêng ở Tiếng Việt, nhưng người Việt có cách sử dụng đồng âm và nhiều nghĩa mang phong cách riêng. 
 Đồng âm và nhiều nghĩa, nghĩa gốc và nghĩa chuyển khó phân biệt dễ gây nhầm lẫn nên mới có cách chơi chữ dựa vào đồng âm hoặc nhiều nghĩa. Chẳng hạn:
 Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
 Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
 Hay 
 Mùa xuân là tết trồng cây
 Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
 Chuyện đồng âm và nhiều nghĩa tiếng Việt có nhiều lí thú nhưng chuyên đề này không đi sâu việc đó mà đi vào chuyện dạy học theo yêu cầu: Người dạy phải biết được nhiều, hiểu được sâu rộng trên nhiều góc độ nhưng người học lại chỉ cần bước đầu hiểu khái niệm và biết vận dụng trong các tình huống đơn giản mà nhu cầu giao tiếp đặt ra phù hợp lứa tuổi. Cụ thể mà nói, GV dạy một nhưng phải biết mười, còn HS phải đạt được những gì gọi là yêu cầu cơ bản về KT&KN hay nói cách khác là đạt chuẩn về KT&KN.
2.1. Từ đồng âm
 Từ đồng âm là các từ giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa. SGK cũ gọi là từ đồng âm khác nghĩa, SGK hiện hành gọi là từ đồng âm, nhưng cơ sở kiến thức không thay đổi. 
 Từ đồng âm hình thành theo nhiều cơ chế:
Đồng âm ngẫu nhiên: 
 Sự vật A được đặt tên ngẫu nhiên giống sự vật B trong các từ thuần Việt: chim bay; cái bay; tụi bay
 Sự vật A được đặt tên ngẫu nhiên trong các từ Hán Việt: đại biểu , đại thụ
Đồng âm giữa vay mượn với sẵn có: nốt la , la mắng , con la.
Đồng âm giữa rút gọn với sẵn có: 5 kí gạo , chữ kí.
Đồng âm Hán Việt với thuần Việt: châu lục , châu đầu lại.
Đồng âm do chuyển nghĩa xa đứt đoạn mà thành: cây tre , cây số
 Có đồng âm cùng từ loại nhưng lại có đồng âm khác từ loại: con rắn , chất rắn ; màu sắc, dao sắc; 
 Chú ý: Có một số trường hợp chưa thống nhất đồng âm hay đa nghĩa . Chẳng hạn:
 cây cối , cây vàng , cây át cơ , cây thuốc lá ;
 đất nước - đất đai , nước non - nước nhà ; 
 Với HS tiểu học, cứ có cùng nguồn gốc về nghĩa hoặc nhìn thấy có dấu vết rõ rệt của sự chuyển nghiã thì đó là từ nhiều nghĩa, khác nguồn gốc về nghĩa thì đó là đồng âm.
2.2. Từ nhiều nghĩa
 Từ nhiều nghĩa là từ được dùng để gọi tên cho nhiều sự vật, hiện tượng có những thuộc tính giống nhau. Từ nhiều nghĩa được hình thành trên cơ sở tiết kiệm ngôn từ. Khái niệm trong thế giới khách quan là vô hạn nhưng ngôn từ thì có hạn. Bởi vậy, khi thấy sự vật A có điểm nào đó giống sự vật B (đã có tên trước) thì con người lấy luôn tên của A đặt cho B. Nghĩa A gọi là nghĩa gốc, nghĩa B gọi là nghĩa phái sinh. Ở Tiểu học, nghĩa phái sinh gọi là nghĩa chuyển cho dễ hiểu (thuật ngữ nghĩa chuyển không khái quát được hết các trường hợp của hiện tượng đa nghĩa).
 Vì vậy, từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có một nghĩa gốc, các nghĩa sau nghĩa gốc gọi là nghĩa chuyển. Các từ tiếng Việt chuyển nghĩa chủ yếu qua hai cơ chế là ẩn dụ và hoán dụ.
 Chuyển ẩn dụ là chuyển trên cơ sở so sánh A và B có nét giống nhau. VD: Có dáng nhọn như mũi người hay động vật thì gọi là mũi (mũi dao, mũi kéo, mũi tên, ; được mài mỏng cắt xén dễ dàng gọi là “sắc” (bén) , người tháo vát giải quyết công việc nhanh hẹn, dễ dàng gọi là “sắc” (tay),
 Chuyển hoán dụ là lấy tên A đặt cho B trên cơ sở A và B có mối quan hệ gần gũi hoặc sóng đôi. VD: mũi lõ - vắt mũi ; trang phục áo trắng - áo trắng sân trường; cái cuốc - cuốc đất ; cái đục - đục gỗ,  (Lấy tên hoạt động đặt cho tên công cụ. Một số nhà ngôn ngữ học coi đó là đồng âm). Chuyển nghĩa hoán dụ nhiều khi phải đặt vào ngữ cảnh mới hiểu gọi là chuyển nghĩa có tính không ổn đinh. VD: Nhà trắng đẹp hơn nhà vàng – Nhà Trắng mở rộng quan hệ đối ngoại.
Nhiều từ, nghĩa được chuyển nhiều lần nên có hiện tượng nghĩa mẹ đẻ nghĩa con, nghĩa con sinh nghĩa cháu,  VD: từ “mũi”: trong “mũi dọc dừa” là nghĩa mẹ, trong “mũi thuyền”, “mũi đất”, “mũi kim”, là nghĩa con; trong “tiêm ba mũi” là nghĩa cháu; 
 Nhiều trường hợp, một nghĩa gốc lại chuyển nghĩa theo nhiều hướng khác nhau tạo thành hệ thống các nhánh nghĩa của từ. VD: đi:
Nhánh 1: sự di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác: đi họp, đi chơi, đi chợ, , xe đi, tàu đi, 
Nhánh 2: Sự sử dụng phương tiện: đi xe, đi tàu, 
Nhánh 3: Sự thay đổi hình thức: gầy đi, bớt đi, bán đi, xé đi, 
Nhánh 4: dời xa vĩnh viễn: đi tong, đi đời, cụ đi hồi đêm, 
 ..
 Chú ý: Các nghĩa chuyển của từ nhiều nghĩa đều có chung nghĩa gốc nên bao giờ chúng cũng có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, có mối liên hệ với nhau không có nghĩa là lúc nào cũng phải có điểm chung. VD: “xuân” trong các câu:
+ Mùa xuân1 là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân2.
+ Xuân này, xuân ấy, đã ba xuân3.
 Rõ ràng, xuân2 và xuân3 chỉ có mối liên hệ với nhau qua nghĩa gốc chứ nghĩa của bản thân nó không có nét giống nhau. 
 Chú ý nữa, có những trường hợp nghĩa của từ vẫn mang nghĩa gốc, chỉ có nghĩa của câu mới được hiểu rộng ra. VD: 
 Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
Rõ ràng, ăn ở đây vẫn chỉ hoạt động đưa vào cơ thể qua miệng; ngồi ở đây vẫn chỉ hành động đặt mông xuống một chỗ. Nhưng câu nói này có thể được hiểu rộng ra và không chỉ để nói chuyện ăn , chuyện ngồi (Thực tế câu này người ta ít dùng trong những trường hợp khác mà chủ yếu để nhắc nhau khi ăn uống). Nhiều câu khác như Ăn có mời, làm có khiến; Học ăn, học nói, học gói, học mở ;  cũng có hiện tượng tương tự.
 Lại chú ý nữa là có những từ đã chuyển nghĩa và câu chứa nó cũng chuyển nghĩa theo nhiều hướng. VD “Ăn bữa nay, lo bữa mai”. Ăn ở đây nói chung là việc chi tiêu phục vụ nhu cầu sống  (hay nhiều câu khác như Cốc mò cò xơi; Đất lành chim đậu; Trâu chậm uống nước đục;  cũng thế.)
 Vì vậy, trong quá trình dạy học, ta không nên có những thắc mắc không cần thiết.
2.3. Kiến thức cơ bản HS cần đạt
- Hiểu từ đồng âm là các từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa. (câu cá – câu văn). Nhận ra các từ đồng âm trong các câu văn, thơ ở mức độ đơn giản. Biết đặt câu phân biệt 2 từ đồng âm.
- Có khái niệm ban đầu về dùng từ đồng âm để chơi chữ: Là biện pháp dùng các từ đồng âm tạo ra câu nói nhiều nghĩa gây bất ngờ, thú vị. HSG biết chơi chữ ở mức độ đơn giản.
- Hiểu từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau.
Biết đặt câu phân biệt nghĩa của từ. 
- Bước đầu biết phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa trong một số trường hợp đơn giản. 
- Với HSG , GV có thể mở rông để các em thấy: Trong tiếng Việt, trên một hình thức ngữ âm có thể xảy ra cả hai hiện tượng đồng âm và nhiều nghĩa. VD:
+ đá: hòn đá , ngựa đá , nước đá – đá bóng, dế đá nhau, cú đá song phi, đá bạn, 
+ sắc: dao sắc, sắc sảo, sắc tay - sắc màu, nhan sắc, thần sắc - sắc thuốc
3. Hình thức và Phương pháp dạy học
3.1. Đường lối chung khi dạy các bài về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa
- Làm bài tập, phân tích yếu tố ngữ pháp bài đề cập đến. Cụ thể là giải nghĩa từ, đối chiếu nghĩa và hình thức ngữ âm các từ làm nổi bật hiện tượng ngữ pháp bài nói đến.
- Nhận xét , rút ra tiểu kết.
- Từ các tiểu kết , đi đến kết luận.
- HS nhắc lại kết luận, GV chép nhanh lên bảng đóng khung thành Ghi nhớ.
- HS lấy VD làm rõ thêm ghi nhớ.
- Hướng dẫn HS thực hành để củng cố lí thuyết.
- Bước củng cố bài cần làm rõ để HS biết cách phân biệt từ đồng âm-từ nhiều nghĩa, nghĩa gốc-nghĩa chuyển.
- Chú ý tìm cách rút ngắn thời gian nhận xét, tăng thời gian thực hành.
3.2. Các bước lên lớp một số bài cụ thể
Bài Từ đồng âm (tuần 5)
Nhận xét
So sánh nghĩa từ “câu” trong hai câu: 
+ Ông ngồi câu1 cá.
+ Đoạn văn này có năm câu2.
HS thấy: 
+ câu1 chỉ cách bắt cá bằng sợi dây buộc móc thép có ngạnh, đầu móc có mồi cho cá ăn. 
+ câu2 chỉ tập hợp các từ diễn đạt một ý trọn vẹn.
 Hai từ câu này có âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau hoàn toàn. Đó là hai từ đồng âm. Trong TV có nhiều cặp từ như thế, người ta gọi đó là từ đồng âm. 
- GV giới thiệu bài tại đây, sau đó hỏi lại HS: Vậy từ đồng âm là gì ? HSTL, GV rút ra ghi nhớ, ghi nhanh lên bảng đóng khung lại.
Ghi nhớ: 
 HS đọc và nhẩm thuộc ghi nhớ, lấy VD.
Luyện tập.
 Hướng dẫn HS làm các BT1,2,3,4
BT1: Giải nghĩa chính xác từng từ để làm rõ chúng lá các cặp đồng âm.
BT2: HS đặt câu để phân biệt các từ đồng âm.
BT3: Giải nghĩa từ “chín” để HS thấy cái thú vị trong cách nói có chứa yếu tố đồng âm.
BT4: Giải nghĩa để HS rõ nghĩa từng cặp đồng âm tiền - tiền ; tiêu - tiêu để HS thấy câu chuyện gây cười ở cỗ nào.
Bài Từ nhiều nghĩa (tuần 7)
Nhận xét
Hướng dẫn HS lần lượt giải các BT1,2,3. GV rút ra kết luận: Nghĩa của các từ răng, mũi, tai ở BT1 khác với nghĩa của 3 từ đó ở BT2. Người ta nói, răng, mũi, tai là các từ nhiều nghĩa. Nghĩa của chúng ở BT1 là nghĩa gốc, ở BT2 là nghĩa chuyển. Trong TV có nhiều từ như vậy lập thành lớp từ nhiều nghĩa. 
GV giới thiệu bài tại đây, sau đó hỏi lại HS: Vậy từ nhiều nghĩa là gì ? HSTL, GV rút ra ghi nhớ, chép lên bảng. 
Ghi nhớ 
 HS đọc và nhẩm thuộc ghi nhớ, lấy VD làm rõ thêm ghi nhớ.
Luyện tập
BT1: Giải nghĩa từng từ mắt, chân, đầu để nhận ra nghĩa chuyển, nghĩa gốc.
BT2: Cho HS đặt câu để thấy được một số nghĩa chuyển của các từ mắt, chân, đầu
Củng cố 
 Nói cách phân biệt đồng âm với nhiều nghĩa, nhấn mạnh các từ in đậm sau đây:
Từ đồng âm là hai từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.
Từ nhiều nghĩa là một từ nhưng mang nhiều nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên của từ là nghĩa gốc, các nghĩa sau là nghĩa chuyển.
 Lưu ý: Để dễ dàng hơn, khỏi phải lòng vòng và rút ngắn thời gian nhận xét, tăng cường thời gian thực hành, có thể tiến hành bước hình thành kiến thức của bài Từ nhiều nghĩa theo cách sau:
So sánh nghĩa của từ “răng” trong ba câu sau:
+ Bé mới mọc răng1.
+ Chiếc cào này có mưòi hai răng2.
+ Bánh xe này đã mòn răng3.
HS phát biểu, GV giúp đỡ tích cực để các em chỉ ra: 
+ răng1 chỉ phần xương cứng mọc thành hàng ở hàm trong miệng, dùng để nhai hay cắn
+ răng2 chỉ bộ phận nhọn lồi ra sắp thành hàng dùng để bổ.
+ răng3 chỉ bộ phận nhọn lồi ra xung quanh theo vòng tròn để ăn khớp với bộ phận tương ứng.
? Như vậy, chúng ta vừa đề cập tới mấy nghĩa của từ “răng” ? (3 nghĩa)
GV: Vậy, “răng” là một từ có nhiều nghĩa. Nghĩa của răng1 được coi là nghĩa gốc, các nghĩa sau được coi là nghĩa chuyển. Trong TV, có rất nhiều từ như vậy lập thành lớp từ nhiều nghĩa. Vậy từ nhiều nghĩa là gì ? Ngoài từ “răng” ra , còn những từ nào rất quen thuộc cũng mang nhiều nghĩa ? Đó chính là nội dung bài Từ nhiều nghĩa hôm nay.
GV: Để rõ hơn về từ nhiều nghĩa, cô và các em cùng tiếp tục so sánh nghĩa của từ mũi trong ba câu sau đây:
+ Lan có mũi1 dọc dừa.
+ Anh đứng ở mũi2 thuyền.
+ Chiếc kim này mũi 3 đã cùn.
GV đàm thoại với HS để thấy:
+ mũi1: bộ phận có dáng nhọn nhô lên trước mặt người hoặc động vật.
+ mũi2: Bộ phận có dáng nhọn nhô ra phía trước thuyền.
+ mũi3: Bộ phận có dáng nhọn ở đầu kim.
GV: Vậy, chúng ta thấy từ “mũi” trong 3 câu trên mang 3 nghĩa. Do đó, “mũi” cũng là một từ nhiều nghĩa và “mũi1” mang nghĩa gốc, “mũi” trong các câu còn lại mang nghĩa chuyển.
? Qua các VD trên, các em hãy cho biết từ nhiều nghĩa là từ như thế nào ? (Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một số nghĩa chuyển)
? Các em thấy các nghĩa của từ nhiều nghĩa có quan hệ thế nào với nhau ? (đều có chung một nghĩa gốc nên bao giờ chúng cũng có mối liên hệ với nhau ).
? Theo các em, ta phân biệt nghĩa gốc, nghĩa chuyển như thế nào ? (nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên của từ, nghĩa chuyển là nghĩa có sau nghĩa gốc do hiểu rộng ra mà có.)
GV khái quát thành ghi nhớ, viết lên bảng.
Lời kết
 Trên đây là vấn đề phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa, nghĩa gốc và nghĩa chuyển qua các bài dạy về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa ở lớp 5. Trong khuôn khổ của bài báo này, có thể nội dung nêu trên chưa thỏa mãn hết những băn khoăn của các thầy cô và đôi chỗ còn thiếu sót nhưng tôi hi vọng nó sẽ giúp các thầy cô phần nào về kiến thức và phương pháp dạy học để chúng ta cùng dạy tốt loạt bài về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa Rất mong sự trao đổi của các thầy cô giáo để các bài dạy về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa không còn là những bài dạy khó đối với chúng ta. Hẹn gặp lại các thầy cô trong bài Cách dạy học các bài danh từ, động từ, tính từ ở lớp 4.
 Lai Vu, ngày 2 tháng 2 năm 2011
 Trần Trung Huy
 Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành - Hải Dương

Tài liệu đính kèm:

  • docDạy học các bài về từ đồng âm, từ nhiều nghĩa ở lớp 5.doc