HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG SÁCH GIÁO KHOA
TÓM TẮT
Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa ( SGK) là một nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên. Học sinh sử dụng SGK hợp lý là góp phần phát huy tính chủ động học tập, tính tích cực của tư duy, tạo sự sinh động, thân thiện cho tiết học trên lớp giữa thầy và trò. Bài viết góp một vài kinh nghiệm giúp giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
SGK là một công cụ quan trọng không thể thiếu được trong nhà trường phổ thông vì đó vừa là một tài liệu chính thống do Bộ Giáo dục biên soạn vừa là cơ sở tạo nên sự thống nhất trong cách phối hợp làm việc giữa thầy và trò. Hơn nữa, SGK còn được xem như người thầy thứ hai, sau người thầy trên lớp, giúp cho học sinh tiếp cận, chiếm lĩnh kiến thức. Để phát huy tác dụng của SGK, học sinh phải biết cách sử dụng và học tập nơi người thầy thứ hai này. Một trong những tác động lớn nhất tạo dần thói quen sử dụng SGK để giúp học sinh tự học là phương pháp giảng dạy, phong cách làm việc trên lớp của giáo viên. Vậy người giáo viên trên lớp phải làm gì để học sinh làm tốt việc học tập từ SGK, bước đầu tạo thói quen tự học cho học sinh theo yêu cầu của cải cách giáo dục hiện nay? Muốn thực hiện được điều này cần chú ý một số điểm sau:
HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG SÁCH GIÁO KHOA TÓM TẮT Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa ( SGK) là một nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên. Học sinh sử dụng SGK hợp lý là góp phần phát huy tính chủ động học tập, tính tích cực của tư duy, tạo sự sinh động, thân thiện cho tiết học trên lớp giữa thầy và trò. Bài viết góp một vài kinh nghiệm giúp giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ này. SGK là một công cụ quan trọng không thể thiếu được trong nhà trường phổ thông vì đó vừa là một tài liệu chính thống do Bộ Giáo dục biên soạn vừa là cơ sở tạo nên sự thống nhất trong cách phối hợp làm việc giữa thầy và trò. Hơn nữa, SGK còn được xem như người thầy thứ hai, sau người thầy trên lớp, giúp cho học sinh tiếp cận, chiếm lĩnh kiến thức. Để phát huy tác dụng của SGK, học sinh phải biết cách sử dụng và học tập nơi người thầy thứ hai này. Một trong những tác động lớn nhất tạo dần thói quen sử dụng SGK để giúp học sinh tự học là phương pháp giảng dạy, phong cách làm việc trên lớp của giáo viên. Vậy người giáo viên trên lớp phải làm gì để học sinh làm tốt việc học tập từ SGK, bước đầu tạo thói quen tự học cho học sinh theo yêu cầu của cải cách giáo dục hiện nay? Muốn thực hiện được điều này cần chú ý một số điểm sau: Trước tiên, giáo viên phải giúp học sinh thấy được sự khác biệt giữa việc có chuẩn bị đọc bài trước trong SGK theo yêu cầu của giáo viên khi học tập trên lớp. Một trong những lý do quan trọng khiến học sinh không chuẩn bị đọc truớc SGK ở nhà theo yêu cầu của giáo viên là khi đến lớp học các em không thấy được sự khác biệt giữa việc có chuẩn bị và không chuẩn bị trước ở nhà theo dặn dò của thầy. Cứ như thế, từ bài này đến bài khác, từ môn học này đến môn học khác, lâu dần thành thói quen xấu: từ chỗ đọc chiếu lệ lúc đầu , dần dần các em không buồn đọc nữa . Sở dĩ như thế là do giáo viên khi lên lớp không có biện pháp kiểm tra thường xuyên, đúng mức, hợp lý, đối với yêu cầu đọc bài trước ở nhà. Thông thường, khi bắt đầu bài học mới, tất cả học sinh đều mở SGK đặt trên bàn, vừa chú ý nghe giảng vừa xem trong SGK . Khi thầy nêu câu hỏi để học sinh phát biểu tham gia bài học ( thường là loại câu hỏi ở mức độ nhận biết) thì học sinh cứ việc nhìn vào SGK để phát biểu, thậm chí có em đọc nguyên văn SGK . Đối với các môn có yêu cầu thực hành thí nghiệm ngay trên lớp theo sự hướng dẫn của thầy như Lý , Hóa , Sinh có trường hợp khi thí nghiệm chưa thực hiện hay thực hiện chưa xong thì học sinh đã biết ngay kết quả thí nghiệm do học sinh nhìn vào SGK đang mở sẵn trước mặt . Từ thực tế này , học sinh cứ ỷ lại , ở nhà thì quên xem SGK, vào lớp thì chăm chăm vào SGK để có thể đáp ứng yêu cầu trả lời câu hỏi hay vấn đề mà giáo viên đặt ra cho cả lớp . Sự chăm chăm đó đã phần nào thỏa mãn được yêu cầu tham gia bài học của các em trên lớp thành ra sự quên đọc SGK ở nhà ngày càng tăng và số học sinh đọc trước SGK trước ở nhà ngày càng giảm vì vừa mất thì giờ vừa không khác gì những bạn không đọc trước. Để khắc phục nghịch lý này , tùy theo tình hình thực tế và trình độ của học sinh từng cấp học, người giáo viên thường xuyên có ý thức kiểm tra việc chuẩn bị bài học trước ở nhà của học sinh bằng các biện pháp sau đây: Biện pháp 1 : Không để học sinh mở SGK ngay từ đầu tiết học mà chỉ mở ra theo yêu cầu của giáo viên nhằm mục đích nhấn mạnh , giải thích hay bổ sung hoàn chỉnh kiến thức bằng cách yêu cầu học sinh đọc lại , gạch chân , hay nhìn vào các chi tiết đáng lưu ý trong hình ảnh in trong sách ( có thể là bản đồ , ảnh minh họa, sơ đồ) Biện pháp 2 : Đặt những câu hỏi để học sinh nêu cảm nghĩ hay suy nghĩ của các em về nội dung hay vấn đề mà giáo viên yêu cầu đọc trước trong SGK Biện pháp 3 : Trước khi giảng bài mới, giáo viên yêu cầu học sinh trong 5 phút những vấn đề mà các em cho là hay nhất , mới nhất mà các em có được sau khi đọc SGK ở nhà theo yêu cầu của thầy trước đó . Phần này giáo viên nên có nhận xét đánh giá hay ghi điểm động viên vì đây là cách đọc tích cực cần khuyến khích . Biện pháp 4 : Trước khi giảng bài mới , giáo viên yêu cầu học sinh đặt câu hỏi ( có thể là điều các em đã biết hay muốn được giải thích thêm sau khi đọc) và giáo viên dùng câu hỏi này để yêu cầu học sinh trên lớp tham gia trả lời . Sự tham gia trả lời của các em vừa là tích cực hóa hoạt động của các em vừa giúp cho giáo viên theo dõi một cách gián tiếp sự chuẩn bị đọc bài trước ở nhà của học sinh. Biện pháp 5 : Giáo viên yêu cầu một vài học sinh trình bày trước lớp một cách tóm tắt về nội dung đã thu hoạch được sau khi đọc trong SGK theo yêu cầu của thầy . Giáo viên giúp học sinh biết cách đọc sao cho vừa tiết kiệm được thời gian vừa đạt được hiệu quả. Hướng dẫn học sinh cách đọc SGK. Phần nhiều học sinh chưa hiểu hết ý nghĩa của từ “đọc” . Đối với các em , đọc chỉ đơn thuần là đưa mắt xem qua các câu chữ đôi khi có kèm theo phát âm và khi xem đến dòng chữ cuối cùng trong phần có nhiệm vụ đọc thì xem như đã hoàn thành nhiệm vụ . Còn đối với kênh hình thì các em có thể không xem hoặc có xem thì chỉ nhìn lướt qua chứ không có sự nghiềm ngẫm đối chiếu song hành với bài học ( nhất là bản đồ lịch sử, địa lý, hình ảnh trong sách Sinh vật , sách Văn học , Hình học, Vật lý , Hóa học, được đưa vào SGK nhằm minh họa hay cụ thể hóa bài học). Kết quả là học sinh chỉ biết được cái vỏ của kiến thức mà chưa thấy được mối liên hệ bên trong của các kiến thức . Từ thực tế này , người giáo viên cần hướng dẫn chỉ ra cách đọc hiểu tài liệu kết hợp giữa kênh chữ với kênh hình ( nếu có) để tìm hiểu về nội dung , ý nghĩa của phần đang học và mối quan hệ giữa nội dung phần đang học với thực tiễn hay các kiến thức có liên quan đã biết trước đó để tự tập rút ra những kiến thức trọng tâm và có tính khái quát.Khi lên lớp, giáo viên cần sử dụng triệt để kênh hình trong SGK nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí . Giáo cụ trực quan trên lớp ( phần lớn là phóng to các hình trong SGK) được sử dụng với ý thức để học sinh tập trung hay khai thác nội dung nào đó gián tiếp góp phần tạo thói quen quan sát , sử dụng kênh hình trong SGK. Yêu cầu học sinh đọc SGK theo định hướng của thầy . Điều lưu ý trước tiên là giáo viên thường đơn giản hóa vấn đề khi yêu cầu học sinh của mình về nhà xem hay soạn trước bài mới sau mỗi tiết học trên lớp. Việc đơn giản này cũng góp phần vào việc quá tải đưa đến việc đọc chiếu lệ của các em . Hãy lưu ý đến những sự khác biệt rất lớn giữa giáo viên bộ môn và học sinh học bộ môn đó . Sự khác biệt đó là thời gian, kiến thức, phương pháp tư duy bộ môn. Thật vậy ,về thời gian, giáo viên chỉ chuyên dạy một môn ( có trường hợp dạy 2 môn) trong nhiều năm( giáo viên dạy 2 khối lớp thì bận rộn hơn nhiều so với giáo viên dạy 1 khối lớp do phải soạn nhiều giáo án hơn) còn học sinh phải học nhiều môn trong một năm và mỗi buổi trung bình phải học từ ba đến bốn môn nên thời gian đầu tư chuyên sâu cho một môn chắc chắn sẽ bị hạn chế. Hơn thế nữa,học sinh còn sử dụng quỹ thời gian ở nhà giải quyết nhiều việc như : xem lại bài cũ, sinh họat , vui chơi giải trí, học thêm những môn năng khiếu , tham gia rèn luyện thân thể, thăm viếng người thân , phụ giúp công việc nhà đỡ đần cho cha mẹ, Vì vậy, vấn đề sử dụng quỹ thời gian sao cho hài hòa là việc đáng lưu tâm không chỉ cho gia đình và bản thân các em mà giáo viên cũng góp phần quan trọng vào sự tiết kiệm thời gian, sử dụng thời gian sao cho có lợi nhất. Về mặt kiến thức, do giảng dạy nhiều năm , giáo viên có nhiều thời gian tiếp cận nghiền ngẫm chuyên sâu kiến thức đang dạy. Sự chuyên sâu này góp phần tích cực vào việc giảm tải cho học sinh bằng cách chọn lựa được kiến thức trọng tâm , chìa khóa giúp học sinh tháo gở , tiếp cận nhanh vấn đề đang học. Nhưng đôi khi chính sự chuyên sâu đó mà giáo viên thấy kiến thức mình đang dạy là quá dễ trong khi đối với học sinh là quá mới , vì học sinh chỉ mới được tiếp cận kiến thức đó trong năm học. Vì vậy, tính vừa sức ở đây đôi khi ít được chú ý đúng mực do sự chênh lệch rất lớn giữa thầy và trò. Quan trọng hơn là phương pháp tư duy bộ môn , dù có điểm tương đồng nhưng vẫn có những điểm khác nhau giữa các cấp học thậm chí khác nhau trong từng chương trong SGK. Ví dụ : Phân môn hình học lớp 8, phần đầu của chương một thì nặng phần định tính, trong khi đó phần cuối chương một phần diện tích đa giác thì nặng về định lượng . Trong phần hình học không gian của lớp 8 vừa có phần định tính vừa có phần định lượng, nếu trong giảng dạy giáo viên thiên nhiều về định tính mà khi kiểm tra lại thiên nhiều về định lượng hay ngược lại thì chắc chắn học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn ( ở đây chưa nói đến quán tính , học sinh quen tư duy trong hình học phẳng hai chiều nên còn xa lạ với hình học không gian 3 chiều , gặp nhiều khó khăn trong cách vẽ hình và tư duy trên hình).( ở đây cũng có thể liên hệ với bộ môn sinh : Nếu giáo viên dạy thiên về học thuộc lòng lý thuyết; trong khi kiểm tra cho vận dụng lý thuyết vào thực tiễn sinh động – Nếu giáo viên dạy thuộc lòng từng câu chữ; trong khi kiểm tra đòi hỏi cần phân tích , so sánh để hiểu và vận dụng) Điều lưu ý thứ hai là việc chuẩn bị ở nhà chỉ là bước đầu mang tính khai phá chứ không thể thay thế được các họat động học tập tiếp theo trên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nội dung kiến thức của học sinh có được do sự chuẩn bị ở nhà có giới hạn , cục bộ, chưa hoàn chỉnh, vì vậy những kiến thức đó sẽ tiếp tục được hệ thống , hoàn chỉnh , khái quát trên lớp. Qua cách dẫn dắt hoạt động của thầy, học sinh sẽ tiếp tục khám phá những kiến thức mới như thế giờ học sẽ sinh động , lý thú hơn. Từ hai điều lưu ý trên , để tiết kiệm thời gian cho học sinh bằng cách không nhất thiết phải yêu cầu tìm hiểu trước cả bài trong SGK mà chỉ cần giới hạn phần nội dung kèm theo câu hỏi giúp học sinh tư duy sao cho muốn trả lời được câu hỏi của thầy thì các em phải đọc kỹ , nghiền ngẫm phần giáo viên yêu cầu trong SGK. Theo kinh nghiệm giảng dạy, chúng tôi thấy rõ những câu hỏi được thiết kế buộc học sinh phải tư duy và tổng hợp tuy khó nhưng thường có hiệu quả hơn những câu hỏi về sự kiện . Hơn nữa , bản thân câu hỏi tìm hiểu bài không thể tự động khiến học sinh học tập tốt hơn vì học sinh có thói quen chỉ tìm câu trả lời cho những câu hỏi hơn là chú ý đến những nội dung khác trong bài đọc nên những câu hỏi có tính buộc học sinh tư duy, so sánh, đối chiếu , tổng hợp khái quát thường có ích hơn đối với những câu hỏi về sự kiện thông thường đã ghi trong SGK . Ngoài ra, việc nêu câu hỏi buộc học sinh muốn trả lời thì phải đọc kỹ nội dung trong SGK , như vậy kiến thức thu nhận sẽ được khắc sâu hơn. Điều lưu ý thứ ba là phương pháp học tập và nghiên cứu trong SGK của học sinh bị ảnh hưởng bởi phương pháp giảng dạy , cách thức và nội dung câu hỏi trong bài kiểm tra mà học sinh sẽ phải làm. Học sinh sẽ đọc và suy nghĩ nếu câu hỏi trong bài kiểm tra yêu cầu học sinh đọc và tư duy sâu. Tuy nhiên cũng có những học sinh đọc một cách đơn thuần , thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần mà không quan tâm đến yêu cầu kiểm tra là gì, chỉ cố gắng ghi nhớ định nghĩa, định lý, sự kiệnmà không hề nghĩ đến mục đích , mối quan hệ của các kiến thức trong bài đang học với những gì đã học trước đó . Cách đọc như thế là do học sinh chưa biết cách đọc, không có động cơ ( đọc không mục đích) và khi đọc không biết liên hệ , liên tưởng. Học sinh sẽ thu nhận kiến thức kiến thức tốt hơn nếu giáo viên hướng dẫn rõ ràng bằng cách chọn nội dung trọng tâm , câu đặt câu hỏi hay yêu cầu học sinh tự đặt câu hỏi , yêu cầu học sinh giải thích , so sánh hay tổng hợp những gì đã đọc . Giúp học sinh chọn đọc tài liệu tham khảo. Nhằm hỗ trợ quá trình tự học của học sinh, giáo viên không những giúp các em biết cách đọc mà còn phải biết chọn tài liệu để tham khảo ( nhưng SGK vẫn là tài liệu chính thống). Sở dĩ phải nói như thế vì tuy cá biệt nhưng có giáo viên nghĩ rằng học sinh phải học từ giáo viên thậm chí chỉ dựa vào tài liệu do chính giáo viên biên soạn mà thoát ly SGK. Nếu quan niệm SGK hay tài liệu tham khảo tốt do thầy hướng dẫn học sinh tìm đọc là một ông thầy thứ hai sau ông thầy trên lớp thì việc học sinh đọc thêm tài liệu tham khảo hay cũng là cơ hội tốt cho học sinh học tập một môn với nhiều thầy cùng một lúc nhằm bổ khuyết cho nhau. Muốn học sinh học tốt giáo viên phải tổ chức hoạt động dạy và học tốt trên lớp. Sự chuẩn bị trước giờ lên lớp của thầy và trò sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động dạy và học trên lớp được phối hợp nhịp nhàng hơn thông qua SGK. Như thế thì việc hướng dẫn học sinh đọc trước trong SGK theo yêu cầu của thầy là điều cần phải được quan tâm , nghiên cứu cải tiến sao cho ngày càng tinh gọn ( giúp học sinh tiết kiệm tối đa thời gian ở nhà) nhưng chất lượng hơn ( học sinh nắm được phương pháp tự học) tạo nên tình huống có vấn đề những tiết dạy trên lớp là chuỗi hoạt động tiếp theo của phần việc ở nhà, đó là sự trao đổi giữa thầy và trò giúp làm tăng thêm hứng thú , làm cho tiết học trên lớp trở nên sinh động, nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao. NGUYỄN TÁ QUỐC Hiệu trưởng trường Thực nghiệm Sư phạm , Quận 5 TP Hồ Chí Minh ( Trích trong tập san “ Thông tin Khoa học và Nghiệp vụ Sư phạm” tháng 10-2006 của Trường Cao đẳng Sư phạm TP HCM )
Tài liệu đính kèm: