Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh - Lê Thị Thanh

Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh - Lê Thị Thanh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ.

1. Cơ sở lí luận.

 Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những kiến thức mà các em được tiếp thu ở Tiểu học là cơ sở quan trọng để các em học lên các bậc học cao hơn. Ở bậc Tiểu học, môn Tiếng Việt là môn học chủ đạo. Trường Tiểu học là nơi đầu tiên trẻ em được học tập Tiếng Việt, chữ viết với phương pháp nhà trường, phương pháp học tập tiếng mẹ đẻ thật sự khoa học. Học sinh Tiểu học chỉ có thể học tập được các môn học khác khi có kiến thức Tiếng Việt bởi đối với người Việt, Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp, là công cụ trao đổi thông tin và chiếm lĩnh tri thức. Trong môn Tiếng Việt có nhiều phân môn, mỗi phân môn mang một kiến thức nhất định, chúng bổ trợ cho nhau giúp người học có thể học tốt môn Tiếng Việt. Bắt đầu khởi động bằng môn Học vần, tiếp theo là Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu, cuối cùng là Tập làm văn. Làm văn, viết văn là cái đích cuối cùng cao nhất của việc học tập Tiếng Việt ở Tiểu học. Đối với học sinh Tiểu học, biết nói cho đúng, cho đủ, cho rõ nghĩa là đã khó; để nói hay, nói có cảm xúc và cảm nhận được cái đẹp trong cuộc sống mà viết thành những bài văn thì lại càng khó khăn hơn nhiều. Cái khó ấy lại chính là cái đích cuối cùng mà phân môn Tập làm văn đòi hỏi người học cần đạt tới.

 

doc 12 trang Người đăng phuonght2k2 Ngày đăng 15/03/2022 Lượt xem 362Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh - Lê Thị Thanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 A. MỞ ĐẦU
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
1. Cơ sở lí luận.
 Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những kiến thức mà các em được tiếp thu ở Tiểu học là cơ sở quan trọng để các em học lên các bậc học cao hơn. Ở bậc Tiểu học, môn Tiếng Việt là môn học chủ đạo. Trường Tiểu học là nơi đầu tiên trẻ em được học tập Tiếng Việt, chữ viết với phương pháp nhà trường, phương pháp học tập tiếng mẹ đẻ thật sự khoa học. Học sinh Tiểu học chỉ có thể học tập được các môn học khác khi có kiến thức Tiếng Việt bởi đối với người Việt, Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp, là công cụ trao đổi thông tin và chiếm lĩnh tri thức. Trong môn Tiếng Việt có nhiều phân môn, mỗi phân môn mang một kiến thức nhất định, chúng bổ trợ cho nhau giúp người học có thể học tốt môn Tiếng Việt. Bắt đầu khởi động bằng môn Học vần, tiếp theo là Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu, cuối cùng là Tập làm văn. Làm văn, viết văn là cái đích cuối cùng cao nhất của việc học tập Tiếng Việt ở Tiểu học. Đối với học sinh Tiểu học, biết nói cho đúng, cho đủ, cho rõ nghĩa là đã khó; để nói hay, nói có cảm xúc và cảm nhận được cái đẹp trong cuộc sống mà viết thành những bài văn thì lại càng khó khăn hơn nhiều. Cái khó ấy lại chính là cái đích cuối cùng mà phân môn Tập làm văn đòi hỏi người học cần đạt tới.
2. Cơ sở thực tiễn.
 Kiến thức Tập làm văn ở Tiểu học tập trung nhiều trong chương trình Tập làm văn lớp 4 – 5 với các kiểu bài như: trao đổi ý kiến; kể chuyện; miêu tả;  Trong đó khó nhất đối với học sinh là miêu tả. Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh có thể làm tốt các kiểu bài ở thể loại văn miêu tả như: tả đồ vật, tả con vật, tả người; nhưng trong chương trình Tập làm văn lớp 5 - khi làm văn tả cảnh, thì học sinh còn nhiều lúng túng; câu văn thường ngắn ngủn, què quặt, thiếu bộ phận, thiếu hình ảnh; diễn đạt rối rắm, thiếu cảm xúc. Các bài viết thường rơi vào tình trạng liệt kê, kể mà không tả, khô cứng. Do vậy, khi dạy kiểu bài này đòi hỏi giáo viên phải có nhiều sáng tạo cũng như sự nhạy bén, linh hoạt trong quá trình lên lớp, chuẩn bị thật công phu các tình huống có thể gặp ở học sinh.
 Chính vì những khó khăn này nên tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở phân môn Tiếng Việt lớp 5.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU.
Nhằm tìm hiểu nội dung, phương pháp dạy làm văn tả cảnh ở lớp 5.
Tìm ra những khó khăn, sai sót mà giáo viên và học sinh thường mắc phải khi dạy học kiểu bài tập làm văn tả cảnh. Qua đó đưa ra giải pháp khắc phục có hiệu quả cho quá trình dạy học kiểu bài này.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU.
Đối tượng nghiên cứu: 
 Dạy - học nội dung bài tả cảnh ở lớp 5.
Phạm vi nhiên cứu:
 Phương pháp hướng dẫn học sinh làm văn tả cảnh ở lớp 5.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Đọc tài liệu, giáo trình liên quan đến dạy học văn tả cảnh ở Tiểu học.
Phương pháp điều tra: Trao đổi với đồng nghiệp về những khó khăn sai sót khi dạy tả cảnh.
Phương pháp thực nghiêm sư phạm: Xây dựng tiết học thử nghiệm và đối chứng và rút ra bài học về phương pháp.
Phương pháp tổng kết rút kinh nghiệm: Tìm hiểu kết quả các lớp học sinh trước, phát hiện những mặt mạnh, mặt yếu để đưa ra giải pháp khắc phục.
B. NỘI DUNG.
1. Tìm hiểu và phát hiện lỗi một số bài văn miêu tả của học sinh.
 Thử xem một số bài văn miêu tả của học sinh chúng ta sẽ bắt gặp khá nhiều lỗi: lỗi về chính tả, lỗi về dấu câu, lỗi diễn đạt, lỗi đi lạc đề,
Ví dụ: - Câu không đủ thành phần: Trên cánh đồng làng, chạy dọc theo con đường.
Câu thừa thành phần, lặp lại thành phần một cách không cần thiết: Cánh đồng đối với quê em là một cảnh đẹp của quê em.
Lỗi sử dụng sai dấu câu: Dòng sông quê em. Vào mùa hè nước trong xanh, rất mát.
Lỗi các câu trong bài văn mâu thuẩn nhau về nghĩa: Từ nhà em đến trường không xa. Nhưng đó là cả một con đường xa đầy thơ mộng. 
Lỗi lặp một từ quá nhiều lần trong câu: Những chiếc lá dập dờn trên mặt nước dập dờn trông như những con thuyền đang dập dờn trên sóng.
Lỗi do dùng thừa từ phụ như quan hệ từ: Ánh nắng của mặt trời của buổi sớm nhảy nhót trên những lá bàng non.
Như vậy, chúng ta thấy khi làm bài tập làm văn, học sinh Tiểu học thường mắc rất nhiều lỗi. Đọc bài văn của các em, chúng ta còn thấy sự khô khan, nghèo cảm xúc, bài văn như một bảng liệt kê các chi tiết của đối tượng miêu tả, lủng củng, lộn xộn, không lột tả được đối tường cần miêu tả, đôi khi còn bịa đặt không có căn cứ.
Vì là học sinh lớp 5 nên cách làm bài văn của các em đã ít nhiều mang phong cách nghệ thuật. Có nghĩa là các em đã phải biết sử dụng ngôn ngữ có hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật như tu từ, so sánh  song nhiều chi tiết thiếu tính chân thực, ngôn từ chưa được gọt giũa, hình ảnh so sánh khập khiểng, dùng từ vụng về
Nguyên nhân của những lỗi sai và hạn chế của học sinh khi viết văn tả cảnh.
Các em chưa hiểu rõ đặc điểm của văn tả cảnh, chưa phân biệt được sự khác biệt giữa văn tả cảnh và các kiểu bài văn khác.
Khả năng quan sát của các em và sự lựa chọn chi tiết để quan sát và miêu tả thiếu tinh tế.
Vốn từ miêu tả còn nghèo nàn, hạn hẹp nên không lựa chọn được từ có hình ảnh thích hợp để sử dụng.
Kỉ năng lựa chọn từ ngữ, dùng từ đặt câu, viết đoạn; kỉ năng diễn đạt còn rất hạn chế. Chưa biết cách sắp xếp ý khi viết bài, xây dựng bố cục thiếu rõ ràng, không khoa học.
Không có thói quen sử dụng các biện pháp tu từ, biện pháp nghệ thuật trong viết văn; khả năng giao cảm với đối tượng miêu tả còn hạn chế, cảm xúc không tự nhiên, tình cảm gượng ép và khô cứng.
Trong tiết trả bài, học sinh chưa được chữa lỗi và tự sửa lỗi kĩ càng, đầy đủ.
 Để khắc phục tình trạng trên và để giúp học sinh làm được bài văn tả cảnh đạt những yêu cầu như vừa mang tính chân thực, vừa mang tính nghệ thuật và mỗi bài văn là một sản phẩm sáng tạo của mỗi học sinh thì tôi đã hướng dẫn học sinh như sau:
2-1. Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm cơ bản của văn tả cảnh. 
 Đối tượng của bài văn tả cảnh là những cảnh vật quen thuộc xung quanh các em: một cơn mưa, một ngày nắng đẹp, một đêm trăng đẹp, một dòng sông, một cánh đồng, một góc phố, Bài văn tả cảnh là thể loại văn bản mang tính nghệ thuật cao, mang tính sáng tạo, tính cá thể của người viết. Ngôn ngữ trong văn tả cảnh là thứ ngôn ngữ giàu sức gợi cảm và là ngôn ngữ đã được gọt giũa một cách công phu. Tả là mô phỏng, là vẽ lại, là so sánh ví von, nhân hóa đối tượng có hình ảnh  chứ không thể là liệt kê các chi tiết.
 Văn tả cảnh mang tính chất thông báo thẩm mĩ, dù tả bất kì đối tượng nào, dù có bám sát thực tế đến đâu thì văn tả cảnh không bao giờ là sự sao chép, chụp ảnh máy móc những sự vật hiện tượng mà là kết quả của sự nhận xét, tưởng tượng, đánh giá hết sức tinh tế và phong phú. Chẳng hạn khi tả trăng nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm nhận một cách tinh tế bằng tình yêu của tâm hồn trẻ thơ, rất đổi hồn nhiên trong sáng: Trăng hồng như quả chín/ Lơ lửng mà không rơi hay Trăng tròn như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời.
 Còn đối với nhà văn Nam Cao thì vành trăng và ánh sao lại được nhìn nhận, được cảm theo một cách hoàn toàn khác: “Trăng là cái liềm vàng giữa cánh đồng đầy sao, là cái đĩa bạc trên cái thảm nhung da trời. Trăng tỏa rộng xuống trần gian. Trăng tuôn suối mát để những tâm hồn khao khát ngụp lặn”.
 Như vậy, để tả hay, tả đúng thì phải tả chân thật, giáo viên cần uốn nắn để học sinh tránh thái độ giả tạo, giả dối; bệnh công thức sáo rỗng.
 Mỗi cảnh đều nằm trong một khung không gian và thời gian, đố là cái nền cho cảnh vật được miêu tả. Các em cần nêu được khung cảnh chung này, nhưng đặc biệt cần tập trung tả nét tiêu biểu của cảnh, làm cho nó khác với cảnh khác. Khi tả cảnh các em có thể lồng tả người, tả vật trong cảnh để cho bài văn thêm sinh động.
 2-2. Hướng dẫn học sinh cách quan sát đối tượng miêu tả, cách chọn lựa hình ảnh, nội dung miêu tả.
 a. Trước hết phải tập cho học sinh quan sát, vì học sinh thường không có thói quen quan sát. Phải có công quan sát để tìm ra những nét nổi bật, độc đáo của đối tượng của quan sát. 
 + Quan sát tổng thể đối tượng, ở cả trạng thái động và tĩnh, quan sát bằng tất cả các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác
 + Lựa chọn điểm đặc trưng, đặc biệt, tiêu biểu của đối tượng để quan sát thật kĩ.
 + Quan sát và so sánh điểm giống nhau và khác nhau với các đối tượng khác có ở xung quanh bằng sự liên tưởng hay quan sát trước đó.
 + Quan sát hình ảnh, hoạt động và những tác động của đối tượng đến các sự vật xung quanh.
 + Có thể ghi nhớ trong đầu, hoặc ghi chép cẩn thận, đầy đủ vào sổ sách.
 + Có thể quan sát trực tiếp hoặc hồi tưởng bằng trí nhớ.
b. Lựa chọn hình ảnh tiêu biểu và nội dung để tả.
+ Căn cứ vào hình ảnh lựa chọn khi quan sát.
+ Căn cứ vào nội dung ghi chép được.
+ Chọn lựa những hình ảnh, chi tiết, hoạt động đặc sắc, đặc trưng riêng, đẹp và khác biệt của đối tượng để miêu tả.
 Lựa chọn hình ảnh, hoạt động của đối tượng để tả khái quát, bổ trợ tạo nên hình ảnh tổng thể về đối tượng có thể lồng ghép các hình ảnh, sự việc gắn bó mật thiết với đối tượng.
c. Sắp xếp ý, đoạn.
- Căn cứ vào nội dung đã lựa chọn để sắp xếp từng ý (theo thứ tự nào đó: từ ngoài vào trong, từ trước ra sau, từ gần đến xa, )
- Sắp xếp các ý theo đoạn với thứ tự đã chọn cho phù hợp.
 Cách làm này giúp các em không tả dài dòng mà các em nắm bắt được cái thần, cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của cảnh; bằng ngôn ngữ làm thể hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh rất thực, sống động. Nói ít gợi nhiều không có nghĩa làm các em chỉ viết vài câu rồi chấm hết một bài văn mà khi tả cảnh không nên lan man, cái nào cũng tả. Cần phải biết chọn lọc những đặc điểm nổi bật của cảnh. Khi tả cảnh các em cần chú ý: 
+ Tả bao quát toàn cảnh, nêu khung cảnh chung của cảnh vật và nêu cảm tưởng, cảm nhận chung của em về cảnh vật.
+ Tả từng bộ phận của cảnh theo một trình tự nào đó. Chú ý đặc điểm của cảnh vật về đường nét, màu sắc, âm thanh, quy mô, chỉ ra những nét riêng, vẻ riêng của cảnh. Ví dụ: Quan sát một ngày mùa ở làng quê, nhà văn Tô Hoài đã ghi lại: “Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng lại và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có hơi vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt màu vàng hoe.” Đó chính là vẻ đẹp của một làng quê khi vào mùa; một quang cảnh rất trù phú, được mùa của bà con nông dân.
 Hay cũng một ngày mùa, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã ghi lại: “Nắng lên, nắng chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín ... . Chúng ta hãy đọc bài văn “Quang cảnh ngày mùa” (SGK TV5 tập 1 trang 10) của nhà văn Tô Hoài để thấy rõ giá trị của từ đồng nghĩa trong văn tả cảnh.
Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, các sự vật, hiện tượng trở nên vô cùng sinh động. Tác giả miêu tả một cảnh vật rất quen thuộc với mọi người; quang cảnh làng mạc ngày mùa. Nhưng người đọc không hề thấy khô khan, tẻ nhạt. Vì sao vậy? Đó là bởi tài quan sát và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là sử dụng từ đồng nghĩa chỉ màu sắc để tả. trong bài văn, chỉ riêng về màu vàng thôi đã có hơn mười sắc độ khác nhau dành cho từng sự vật. Có màu vàng đậm của lúa đã chín (vàng xuộm); có màu vàng nhạt, tươi, ánh lên của những ngày nắng đẹp giữa mùa đông (vàng hoe); có màu vàng của quả chín, giợi cảm giác ngọt ngào (vàng lịm); có màu vàng đậm, trải trên mặt của lá mít, lá chuối (vàng ối). Như vậy, nhờ sử dụng từ đồng nghĩa để miêu tả mà không cần nhiều câu chữ, nhà văn Tô Hoài đã vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh phong cảnh thật đẹp, toàn màu vàng - màu đặc trưng của mùa gặt.
 Hay trong cuốn hồi kí Bác Hồ, hai nhà văn Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã tả phong cảnh quê bác như sau: “Trước mắt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ màu xanh; xanh pha vàng của ruộng mía, xanh mướt của lúa chiêm đang thời con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và nhiều màu xanh khác nữa.” Cách sử dụng từ đồng nghĩa chỉ màu xanh như vậy góp phần gợi tả vẻ đẹp nên thơ và tràn trề sức sống của cảnh vật trên quê Bác.
 * Một mẹo nữa của làm văn tả cảnh đó là chuyển kể thành tả.
Làm văn miêu tả là phải quan sát như đã nói. Nhưng khi làm bài, các em thường kể lại chứ không phải là tả, làm cho bài văn khô khan, nhạt nhẻo. 
Ví dụ: - Quanh thân cây có rất nhiều quả.
Trên cánh đồng, em trông thấy rất nhiều người đang gặt lúa.
Buổi sáng, em nghe thấy tiếng chích chòe trong vắt. v.v..
Những câu văn như trên nặng về kể. Vậy chúng ta có thể diễn đạt lại như sau:
+ Quanh thân cây, chi chít những quả là quả.
+ Trên cánh đồng, các bác xã viên cắt lúa nhanh thoăn thoắt.
+ Buổi sáng, tiếng chích chòe trong vắt.
Đây mới chính là những câu văn miêu tả.
 Như vậy, khi viết các em chỉ cần bỏ bớt những cụm từ như: nó có, em trông thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nghĩ rằng, .v.v.. rồi thêm vào những từ láy, tính từ gợi tả, câu văn sẽ nhẹ nhàng, sinh động; đối tượng được miêu tả sẽ trực tiếp hiện ra.
4. Hướng dẫn xây dựng đoạn văn mở bài, thân bài, kết bài và xây dựng bố cục bài văn.
* Bố cục bài văn gồm ba phần:
- Mở bài: Giới thiệu chung về cảnh vật (cảnh vật đó ở đâu? Em tả nó vào lúc nào? Nét nổi bật nhất của cảnh vật đó là gì?)
- Thân bài: Dùng lời văn để tả, tái hiện, sao chụp chân dung của đối tượng miêu tả ở những góc nhìn nhất định. Có thể sử dụng những biện pháp nghệ thuật để lột tả hình ảnh một cách sinh động.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của người viết về cảnh vật (sự yêu thích, sự gắn bó)
* Hướng dẫn học sinh viết các đoạn văn. 
- Đoạn mở bài: Mở bài cũng giống như lời chào, lời mời gọi người đọc đến với bài viết của mình. Cũng như lời chào, lời mời gọi có thể viết rất giản dị, chân thành, tự nhiên, ngắn gọn nhưng cũng có lúc cần dẫn dắt gợi mở khéo léo gây ấn tượng, gây sự hấp dẫn cho người đọc.
 Chẳng hạn cũng mở bài cho bài văn tả con đường có em mở bài trực tiếp:
“Từ nhà em đến trường có thể đi theo nhiều ngã đường. Nhưng con đường mà em thích đi hơn cả là con đường Nguyễn Trường Tộ”.
 Nhưng cũng có em vào bài gián tiếp: “Tuổi thơ em có biết bao kỉ niệm gắn bó với cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm trăng sáng. Nhưng gần gũi, thân thiết nhất với em vẫn là con đường từ nhà đến trường – con đường đẹp đẽ suốt những năm tháng học trò của em.”
Như vậy, cũng là giới thiệu con đường từ nhà đến trường mỗi người lại có một cách giới thiệu riêng. Với học sinh, sản phẩm này ít nhiều in dấu ấn riêng của từng em trong cách suy nghĩ, giới thiệu, diễn đạt. Tuy nhiên chúng ta không nhất thiết phải gò bó học sinh làm mở bài theo một cách nào, mà chỉ dẫn cho học sinh cách vào bài phải bám sát yêu cầu của đề, không lan man, xa đề, không rườm rà nhưng cũng không thô kệch vô duyên.
* Thân bài: Có thể gồm một số đoạn văn, là toàn bộ nội dung miêu tả được viết theo từng phần, từng ý đã sắp xếp khi quan sát, khi chuẩn bị bài. Trong đó, thể hiện được hình ảnh về đối tượng miêu tả với ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật mà người viết vận dụng để tả.
 Khi liên kết câu văn, đoạn văn các em cần vận dụng các cách liên kết đã học ở Luyện từ và câu như: liên kết bằng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ, lặp từ, Tuy nhiên khi sử dụng những cách liên kết này các em cần lựa chọn từ tránh sử dụng không đúng gây rườm rà.
* Đoạn kết bài: Tuy chỉ là một phần nhỏ trong bài nhưng rất quan trọng bởi đoạn kết bài thể hiện được rất nhiều tình cảm của người viết với đối tượng miêu tả. Thực tế cho thấy học sinh thường hay liệt kê cảm xúc của mình làm phần kết luận khô cứng, gò bó, thiếu tính chân thực. Chủ yếu các em thường làm kết bài không mở rộng. Kết bài như vậy không sai nhưng chưa hay, chưa hấp dẫn người đọc. Vì vậy giáo viên cần phải gợi ý để học sinh biết cách làm phần kết bài mở rộng bằng cảm xúc tự nhiên của mình.
5. Thực hiện nghiêm túc tiết trả bài Tập làm văn.
Tiết trả bài tập làm văn giúp các em sửa chữa lỗi, rút kinh nghiệm cho bài viết lần sau và học tập các bạn những cách viết hay để vận dụng vào các bài văn. Tuy nhiên, ở tiết học này một số giáo viên thường làm qua loa, không chữa kĩ càng, bớt xén thời gian để dạy môn khác.
 Vậy, muốn có được tiết trả bài có hiệu quả giáo viên cần phải:
Chấm bài cẩn thận, kĩ càng; chữa từng lỗi nho trong bài viết cho học sinh.
Ghi lại các lỗi của học sinh theo từng loại như: lỗi về cách dùng từ, đặt câu; lỗi diễn đạt; lỗi chính tả; ghi lại các từ, các câu hay, đoạn văn hay.
Nhận xét ưu điểm, nhược điểm; thống kê số điểm.
Chữa lỗi cho học sinh theo từng loại như đã thống kê khi chấm bài.
Đọc những câu văn hay, đoạn văn hay để học sinh học tập.
Trả bài và tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm để các em trao đổi với các bạn về cách làm bài của mình, đọc cho nhau nghe các câu văn hay, giúp nhau sửa lỗi trong bài.
Cho học sinh tự sửa lỗi và viết lại một đoạn cho đạt yêu cầu.
C. KẾT QUẢ
 Trong quá trình tiến hành thực nghiệm, điều tra phát hiện, khắc phục sai sót của giáo viên và học sinh, tôi đã tiến hành một số giờ dạy ở lớp 5C, đồng thời ra một số đề kiểm tra khảo sát đã thi được kết quả rất khả quan.
+ Hầu hết học sinh biết trình bày bài văn có bố cục rõ ràng.
+ Các em đã biết phối hợp miêu tả vừa đảm bảo tính chân thực, vừa mang tính nghệ thuật. Bài viết của các em sinh động hơn và giàu hình ảnh hơn.
+ Đọc bài viết của các em, người đọc đã hình dung được một cảnh vật cụ thể, có đường nét, màu sắc. Mỗi bài văn tả cảnh của các em đã thể hiện được một bức tranh sinh động với cảm xúc riêng của mỗi em.
 Tóm lại, chất lượng môn Tập làm văn nói chung và kiểu bài văn tả cảnh nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Xin được nêu ra một số đoạn văn tả cảnh mà các em đã viết để các thầy, cô đọc và cùng nhận xét:
+ Khi tả về cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp học sinh đã viết: “ Sau những ngày đông giá rét, những cây bàng, cây phượng khẳng khiu, trơ trụi bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Những búp non từ mấy hôm trước còn lấm tấm đầu cành nay đã xòe bung ra như những ngón tay nhỏ hứng từng giọt mưa phùn rơi nhè nhẹ. Cả đất trời bừng dậy trong nắng xuân. Một màu xanh non phủ dần trên các cành cây khô mốc thếch, tạo nên một khung cảnh tươi mới và ấm áp lạ thường. ”
+ Khi tả về cánh đồng lúa quê em, một học sinh đã viết:
“ Từ xa nhìn lại, cánh đồng như một tấm thảm màu xanh khổng lồ trải dài tới tận chân mây. Một đợt gió lùa vào tạo thành sóng lúa đuổi nhau ra xa mãi. Lúa tốt bời bời nên không thấy bờ ngăn cách. Ruộng này tiếp nối ruộng kia, lúa bằng đầu nhau trải rộng. Đứng ngắm cánh đồng lúa quê mình mà lòng em rộn lên niềm vui chẳng thể nào tả xiết. ”
+ Khi tả về sông nước, một học sinh viết: 
“ Con đập Mã Tổ thân yêu gắn bó với em như làn khói bếp chiều tỏa vờn mái ngói, khóm khoai nước bên hàng rào râm bụt, dậu mồng tơi trước sân nhà. Con đập chứa chan tình quê mà những ngày thơ ấu em từng nằm võng với mẹ em, ôm em vào lòng, chầm bập vỗ về rót vào tâm hồn trong trắng thơ ngây của em những lời ru nồng nàn, mộc mạc mà thiết tha. Con đập còn gắn bó với cuộc sống của người dân quê em như bầu sữa mẹ gắn với tuổi trong nôi của mỗi người. ”
 Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy rõ hơn kết quả thể hiên trong bảng so sánh sau của học sinh lớp 5C:
Thời gian
Số học sinh
Số bài đạt điểm khá, giỏi
Số bài đạt điểm trung bình trở xuống.
Trước thử nghiệm
24
11
13
Sau thử nghiệm
24
19
5
D. KẾT LUẬN
- Với cách thức dạy Tập làm văn tả cảnh ở Tiểu học nói trên, giáo viên phải có kế hoạch một cách có hệ thống, phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không thể nóng vội. Khi học sinh đã hiểu rõ đặc điểm củ văn tả cảnh, biết quan sát đối tượng, tích lũy được vốn từ miêu tả, biết xây dựng bố cục bài văn; cách diễn đạt, biết tưởng tượng và sử dụng biện pháp nghệ thuật trong viết văn, được sửa lỗi kĩ càng trong tiết trả bài thì viết văn tả cảnh trở nên dễ dàng hơn; học sinh hứng thú học hơn rất nhiều, chất lượng bài viết của học sinh được nâng cao.
- Dạy Tập làm văn, người dạy phải gửi cả tâm hồn mình vào trong bài dạy, giáo viên và học sinh càng đắm mình vào đối tượng miêu tả theo một dòng cảm xúc, cùng hòa chung tình cảm để cùng tìm hiểu và cùng cảm nhận đối tượng với niềm say mê, thích thú. Muốn vậy, người giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp; phải nổ lực sáng tạo trong suốt quá trình dạy học. Chỉ có nghiên cứu và sáng tạo mới cho giáo viên được những giờ dạy văn tả cảnh mới mẻ, sâu sắc, sinh động đem lại hiệu quả cao.
 Trên đây là là kinh nghiệm giúp học sinh làm tốt bài văn tả cảnh đối với học sinh lớp 5C mà tôi đã trực tiếp giảng dạy và đã được áp dụng có hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và áp dụng còn có nhiều hạn chế do có những khó khăn nhất định; song tôi mạnh dạn đưa ra để các thầy cô cùng tham khảo và có ý kiến bổ sung. Rất mong nhận được sự trao đổi chân thành của quý đồng nghiệp gần xa. 
 Xin chân thành cảm ơn!
 Tân Thành, ngày 30 tháng 5 năm 2010
 Người viết:
 Lê Thị Thanh
NHẬN XÉT:
1.Tổ, khối: 
 2. Ban giám hiệu:

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_giup_hoc_sinh_lop_5_lam_tot_bai_van_ta.doc