Sáng kiến kinh nghiệm Một số ý kiến về rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh Lớp 5

Sáng kiến kinh nghiệm Một số ý kiến về rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh Lớp 5

A Đặt vấn đề

Dạy đọc có ý nghĩa rất to lớn ở Tiểu học. Đọc là một yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với mỗi người đi học. Đầu tiên là trẻ phải học đọc sau đó phải đọc để học. Đọc giúp trẻ chiếm lĩnh được ngôn ngữ để dùng trong học tập và giao tiếp, là công cụ để học tập các môn học khác.

Đọc một cách có ý thức tác động tới trình độ ngôn ngữ, tư duy của người đọc. Việc dạy đọc sẽ giúp học sinh hiểu biết hơn, bồi dưỡng ở các em lòng yêu cái thiện, cái đẹp, dạy cho các em biết suy nghĩ một cách lôgic cũng như tư duy có hình ảnh. Dạy đọc bao gồm cả nhiệm vụ giáo dưỡng giáo dục và phát triển.

Đọc diễn cảm là hình thức đọc có tính đặc thù. Đây là hình thức đọc nghệ thuật. Người đọc chuyển các văn bản viết thành văn bản âm thanh nhằm truyền đến người nghe không chỉ nội dung thông tin mà cảm xúc chủ quan của người đọc về giá trị của văn bản. Đọc diễn cảm trong trường Tiểu học nói chung và ở lớp 5 nói riêng là một hình thức đọc thơ văn của thầy trò nhằm mục đích rèn kỹ năng đọc và cảm nhận văn học cho học sinh. Đọc diễn cảm tốt là truyền được phần nội dung và cảm xúc của bài văn tới người nghe mà chưa cần giảng giải. Thông qua đọc diễn cảm, học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ nghệ thuật, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn chương; được thức tỉnh về mặt nhận thức và được bồi dưỡng về mặt tâm hồn.

 

doc 10 trang Người đăng phuonght2k2 Ngày đăng 15/03/2022 Lượt xem 290Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số ý kiến về rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh Lớp 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ RÈN KỸ NĂNG ĐỌC DIỄN CẢM CHO HỌC SINH LỚP 5
A Đặt vấn đề
Dạy đọc có ý nghĩa rất to lớn ở Tiểu học. Đọc là một yêu cầu cơ bản đầu tiên đối với mỗi người đi học. Đầu tiên là trẻ phải học đọc sau đó phải đọc để học. Đọc giúp trẻ chiếm lĩnh được ngôn ngữ để dùng trong học tập và giao tiếp, là công cụ để học tập các môn học khác.
Đọc một cách có ý thức tác động tới trình độ ngôn ngữ, tư duy của người đọc. Việc dạy đọc sẽ giúp học sinh hiểu biết hơn, bồi dưỡng ở các em lòng yêu cái thiện, cái đẹp, dạy cho các em biết suy nghĩ một cách lôgic cũng như tư duy có hình ảnh. Dạy đọc bao gồm cả nhiệm vụ giáo dưỡng giáo dục và phát triển.
Đọc diễn cảm là hình thức đọc có tính đặc thù. Đây là hình thức đọc nghệ thuật. Người đọc chuyển các văn bản viết thành văn bản âm thanh nhằm truyền đến người nghe không chỉ nội dung thông tin mà cảm xúc chủ quan của người đọc về giá trị của văn bản. Đọc diễn cảm trong trường Tiểu học nói chung và ở lớp 5 nói riêng là một hình thức đọc thơ văn của thầy trò nhằm mục đích rèn kỹ năng đọc và cảm nhận văn học cho học sinh. Đọc diễn cảm tốt là truyền được phần nội dung và cảm xúc của bài văn tới người nghe mà chưa cần giảng giải. Thông qua đọc diễn cảm, học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ nghệ thuật, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn chương; được thức tỉnh về mặt nhận thức và được bồi dưỡng về mặt tâm hồn.
Quá trình tìm hiểu chương trình và thực hiện chương trình SGK mới lớp 5 tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn như sau:
- Thuận lợi:
+ Tất cả các cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy khối 5 đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong hè. Quá trình tập huấn giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quan về nội dung, phương pháp cách thức thực hiện của chương trình SGK lớp 5 mới.
+ Phân môn Tập đọc lớp 5 mới có ngữ liệu phong phú, nhiều thể loại, được sắp xếp hợp lý tạo hứng thú cho học sinh. Ngữ liệu được in trên giấy trắng, khổ rộng với cỡ chữ to hơn trước, có kèm theo những tranh minh hoạ đẹp, nhiều màu sắc, phù hợp với nội dung của từng bài đọc.
+ Nhiều văn bản có tính nghệ thuật cao được đưa vào giảng dạy; hệ thống câu hỏi của một số bài trong SGK chú trọng khai thác các tín hiệu nghệ thuật làm nổi bật vẻ đẹp ngôn ngữ, hình ảnh của tác phẩm.
+ Quá trình học phân môn tập đọc từ lớp 1 đến lớp 4 học sinh đã tích luỹ được rất nhiều vốn sống, vốn hiểu biết về ngôn ngữ. Ở lớp 4, các em đã được chú trọng rèn đọc diễn cảm. Đây chính là cơ sở, nền móng vững chắc để nâng cao kỹ năng đọc diễn cảm ở lớp 5. Khi thực hiện dạy học Tập đọc, giáo viên khối 4,5 chúng tôi đã chú trọng rèn đọc diễn cảm cho học sinh qua đó bồi dưỡng khả năng cảm thụ cho học sinh.
+ Việc tìm hiểu bài, nắm được nội dung bài đọc làm học sinh say sưa, hăng hái tham gia rèn đọc đúng, đọc hay, tạo cho giáo viên nguồn cảm hứng khi hướng dẫn đọc diễn cảm.
- Khó khăn:
Chúng tôi gặp phải một số khó khăn sau:
Thực tế đứng lớp giảng dạy phân môn Tiếng Việt ở Tiểu học nhất là phần rèn đọc diễn cảm cho học sinh lớp 5 còn hạn chế do:
+ Nhìn chung các em chỉ chú trọng đọc to, rõ ít chú ý đến nhịp điệu, hình ảnh, từ ngữ cần nhấn giọng hoặc thể hiện tình cảm.
+ Một số em đọc nhưng do không hiểu nội dung nên ngắt nghỉ tuỳ tiện, làm sai nghĩa của đoạn thơ, đoạn văn.
+ Một số em phát âm không chuẩn (ngọng), nhầm lẫn các phụ âm, ví dụ: l/n 
+ Năng lực đọc, cảm thụ và thể hiện tình cảm của từng em khác nhau với từng bài đọc trong một lớp ở nhiều mức độ khác nhau nên việc hướng dẫn đọc diễn cảm gặp nhiều khó khăn.
+ Ở lớp 5, ngoài ngoài việc rèn đọc còn chú trọng đi sâu khai thác về nội dung, nghệ thuật. Thời gian dành cho mỗi bài tập đọc là 1 tiết là 40 phút nên rèn đọc được ít, đọc diễn cảm lại càng ít hơn.
+ Đây là năm đầu tiên thay sách lớp 5, đội ngũ giáo viên vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy và học hỏi nên kinh nghiệm chưa có nhiều.
* Từ những lý do trên đây, tôi xin đi sâu bàn riêng về một số biện pháp rèn đọc kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 5.
B Giải quyết vấn đề.
Đọc diễn cảm có thể có được trên cơ sở hiểu thấu đáo nội dung bài đọc. Đọc diễn cảm yêu cầu đọc đúng giọng vui, buồn, giận dữ, trang nghiêmphù hợp với nội dung từng ý, từng nội dung của bài đọc; phù hợp với kiểu câu, thể loại, đọc có cảm xúc cao, biết nhấn giọng ở những từ ngữ biểu cảm, phân biệt lời nhân vật, tác giả.
Để đọc diễn cảm, người đọc phải làm chủ được chỗ ngắt giọng biểu cảm (kỹ thuật ngắt giọng biểu cảm) làm chủ được tốc độ (nhanh, chậm, ngân nga), làm chủ được cường độ giọng đọc (to, nhỏ, nhấn), làm chủ được ngữ điệu (độ cao giọng đọc, lên giọng, xuống giọng). Nhận thức rõ điều đó, tôi đã áp dụng một số biện pháp rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 5 như sau:
1. Luyện tập lấy hơi và tập thở.
Rèn cho học sinh biết thở sâu ở những chỗ ngừng nghỉ để lấy hơi khi đọc, đặc biệt là ở những chỗ ngắt giọng biểu cảm, những chỗ lắng cần tạo ra sự im lặng, có tác dụng truyền cảm “gây bão tố” góp phần tạo nên hiệu quả biểu hiện cao.
Ví dụ: Trong bài “Ê-mi-ly, con” khi hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm khổ 3:
	Ê-mi-ly con ôi !
	Trời sắp tối rồi
	Cha không bế con về được nữa !
	Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
	Đêm nay mẹ đến tìm con
	Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
	Cho cha nhé
	Và con sẽ nói giùm với mẹ:
	Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn.
Tôi đã hướng dẫn học sinh ngừng nghỉ sau mỗi câu thơ và nghỉ sau “Con sẽ ôm lấy mẹ” để tạo ra một khoảng lặng, một khoảng nghẹn ngào trong cảm xúc trước khi đọc tiếp “mà hôn cho cha nhé”. Nghỉ hơi lâu sau câu thơ “Và con sẽ nói giùm với mẹ” để thể hiện sự xúc động của người cha là Mo-ri-xơn khi nói lời từ biệt với gia đình yêu thương.
Tương tự, với 4 câu cuối bài “Tiếng vọng” SGK tập 1/trang 108
	Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
	Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
	Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
	Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.
Để dồn âm lượng cho cụm từ “như đá lở trên ngàn” tôi hướng dẫn học sinh nghỉ lấy hơi sau từ “tiếng lăn” vừa là để tạo ra một chút im lặng, vừa gây chú ý sau đó mới đọc “như đá lở trên ngàn” để thể hiện nỗi ám ảnh, day dứt về hình ảnh những quả trứng không có mẹ ấp ủ đêm đêm lăn vào giấc ngủ của tác giả.
2. Rèn tốc độ đọc, luyện đọc to.
Việc rèn cường độ giọng đọc, đọc to học sinh đã được làm quen từ lớp 1. Trải qua 4 lớp, đến lớp 5 học sinh đã có nền tảng khá vững. Khi dạy đọc diễn cảm ở lớp 5 tôi chú trọng cường độ giọng đọc, tốc độ đọc, đọc to ngay từ khâu đọc vỡ bài. Bằng nhiều hình thức khuyến khích (khen, biểu dương, cổ vũ) tổ chức thi đua cá nhân, tạo cho học sinh tâm thế, sự hưng phấn, tự tin khi đọc bài. Học sinh lớp tôi đã đọc to, rõ ràng, đủ lớn cho cả lớp nghe. Đầu năm có những học sinh nhút nhát đọc quá nhỏ, lí nhí, tôi đã gọi các em đứng trên bảng, hướng dẫn cho các em tư thế đứng (đàng hoàng, thoải mái), tư thế cầm sách (mở rộng và cầm bằng hai tay) yêu cầu các em đọc to chừng nào em ở xa nhất trong lớp nghe được mới thôi. Cứ như thế, dần dần các em đọc được to, rõ, đúng yêu cầu. Đối với những học sinh quá hứng thú, phấn kích đọc quá to hoặc gào lên không cần thiết, tôi nhắc nhở, yêu cầu các em đọc to vừa phải. Những học sinh sửa lại được đúng yêu cầu được khen ngợi, cổ vũ.
3. Luyện đọc đúng
Muốn đọc diễn cảm hay, gây xúc động cho người nghe thì phải đọc đúng, tái hiện mặt âm thanh của bài đọc một cách chính xác không có lỗi. Để giúp học sinh đọc đúng khi dạy tập đọc tôi chú ý rèn học sinh các mặt sau:
a) Đọc đúng các phụ âm đầu.
Khi nhận thấy các học sinh trong lớp thường hay mắc lỗi phát âm phụ âm đầu là l/n, tôi đã ghi những từ có các phụ âm này lên bảng, giúp các em phân biệt hai phụ âm này.
L: Lưỡi cong lên chạm lợi, hơi đi ra phía hai bên rìa lưỡi, xát nhẹ
N: Đầu lưỡi chạm lợi, hơi thoát ra cả miệng lẫn mũi.
Đồng thời làm mẫu để các em có hình mẫu âm thanh, thường xuyên nhắc nhở học sinh khi đọc bài, tạo cho các em ý thức phân biệt, từ đó mà không còn đọc sai.
b) Đọc đúng các âm chính.
Theo thói quen giao tiếp hàng ngày, do ảnh hưởng của phương ngữ địa phương, một số em mắc lỗi khi đọc các âm chính như: ưu (iu), ươu (iêu)
Ví dụ: Các em đọc: Bầy cá heo đã cứu A-ri-ôn 
	® Bầy cá heo đã cíu A-ri-ôn
	(Những người bạn tốt SGK TV5 tập 1/64)
Để giúp các em đọc đúng tôi đã yêu cầu đánh vần phát âm lại các vần trước khi đọc các tiếng chứa vần. Hầu hết các em đều sửa được và phát âm đúng.
c) Đọc đúng các âm cuối và thanh điệu.
Học sinh ở trường chúng tôi không mắc các lỗi về đọc âm cuối và thanh điệu nên việc luyện đọc đúng các âm cuối và thanh điệu hạn chế chỉ ở một vài trường hợp các em đọc ngọng.
Ví dụ: Có em ngọng thanh ngã
Ánh nắng ban mai nhạt loãng rải trên vùng đất đỏ công trường tạo nên một hoà sắc êm dịu.
Các em đọc loãng ® loáng
Đối với những trường hợp này ngoài việc rèn đọc trên lớp, thường xuyên nhắc nhở tôi còn yêu cầu các em luyện đọc ở nhà. Trong giao tiếp hàng ngày tôi cũng chú ý rèn cho các em ý thức tự sửa những lỗi mà các em hay mắc phải.
d) Đọc đúng tiết tấu, ngắt hơi, nghỉ hơi, ngữ điệu câu.
Để đọc đúng cần dựa vào nghĩa, vào quan hệ ngữ pháp giữa các tiếng, từ để ngắt hơi cho đúng. Khi rèn đọc học sinh tôi lưu ý các em cách để đọc đúng nhịp, tiết tấu:
+ Không tách một từ ra làm hai:
VD: Không ngắt hơi
	Đó là một buổi / sáng đầu xuân
Hoặc: Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ / hôi sa
Những trưa tháng sáu
+ Không đọc tách từ chỉ loại với danh từ mà nó đi kèm
VD: Không đọc
Con / thác réo ngân nga
Đàn / dê soi đáy suối
	(Trước cổng trời / 80)
+ Không đọc tách giới từ với danh từ đi sau nó.
VD: Không đọc
- Những năm bom Mĩ
	Trút trên / mái nhà
- Nối rừng hoang với / biển xa
+ Không tách động từ, hệ từ “là” với danh từ đi sau nó.
Ví dụ: không đọc
- Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong
	Là / bức tranh còn nguyên màu vôi gạch
- Không gian là / nẻo đường xa
	Thời gian vô tận mở ra sắc màu
* Lưu ý học sinh dựa vào quan hệ ngữ pháp để xác định cách ngắt nhịp cho đúng.
Ví dụ: Phải ngắt nhịp
Trải qua / mưa nắng vơi đầy
Men trời đất / đủ làm say đất trời
Không ngắt:
- Trải qua mưa / nắng vơi đầy
	Men trời / đất đủ / làm say / đất trời
- Con chim sẻ nhỏ / chết rồi
Không ngắt: Con chim sẻ / nhỏ chết rồi
* Lưu ý ngắt hơi phù hợp với dấu câu: Nghỉ ít ở dấu phẩy, nghỉ lâu ở dấu chấm, đọc đúng các ngữ điệu câu, lên giọng ở cuối câu hỏi, hạ giọng ở cuối câu kể, thay đổi giọng phù hợp với tình cảm cần diễn đạt trong câu cảm
Luyện cho học sinh đúng cũng đã rèn cho học sinh kỹ năng đọc diễn cảm. Mỗi giờ lên lớp tôi đều phải dự tính trước để ngăn ngừa các lỗi khi đọc cho học sinh. Khi lên lớp tôi kết hợp nhiều biện pháp để rèn đọc đúng: đọc mẫu, phân tích sự khác biệt, cho đọc cá nhân, đọc đồng thanh Với những câu tôi dự tính học sinh đọc sai phách câu (ngắt nghỉ không đúng) tôi cũng tìm hiểu và áp dụng những biện pháp khắc phục. Cuối cùng mới luyện cho các em đọc đoạn, đọc cả bài.
4. Luyện đọc tổng hợp (diễn cảm)
Tổ chức cho học sinh đàm thoại để tìm hiểu ý đồ của tác giả và tìm cách đọc, đọc phân vai với các văn bản truyện có nhiều lời thoại
Ví dụ: Khi hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm đoạn:
“Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn”
Tôi làm như sau:
Treo bảng ghi đoạn văn và yêu cầu học sinh đọc thầm và cho biết:
- Nội dung của đoạn văn là gì?
- Để điễn tả nội dung đó tác giả đã sử dụng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm nào?
- Từ ngữ nào được lặp lại nhiều nhất trong đoạn văn trên?
- Khi đọc các câu văn ngắn cần đọc như thế nào?
Qua thảo luận trả lời câu hỏi, các em biết được cách đọc, nhấn giọng vào các từ ngữ miêu tả mùi hương thảo quả (lướt thướt, quyến, rải, ngọt lựng, thơm nồng)
Khi đọc các câu ngắn đọc ngân kéo dài những tiếng cuối câu, thu hẹp quãng ngắt giữa các câu nhằm tạo cảm giác mở rộng về không gian lan toả của hương thảo quả, thể hiện sự say mê ngây ngất như muốn hít căng lồng ngực tất cả mùi hương quyến rũ của thảo quả.
Đối với những bài mà nội dung và cách đọc của từng đoạn trong bài có sự khác biệt. Tôi giúp học sinh hệ thống lại bài bằng cách lập dàn ý cho bài đọc. Dựa vào dàn ý các em tìm ra những điểm cần lưu ý để lựa chọn cách đọc cho phù hợp. Một điều rất quan trọng, nó tác động trực tiếp tới thính giác của các em đó là việc đọc mẫu của giáo viên. Giọng đọc mẫu của giáo viên chính là cái đích, là hình mẫu kỹ năng mà học sinh cần đạt được. Chính vì thế tôi luôn chú trọng việc rèn đọc của bản thân để đem đến cho các em một hình mẫu chuẩn: đọc đúng, rõ ràng, trôi chảy, đọc đủ lớn, nhanh vừa phải và diễn cảm. Chuẩn bị bài chu đáo, tìm hiểu cảm nhận nội dung của bài đọc, đọc nhiều lần trước khi đến lớp đã tạo ra cho tôi sự tin trong mỗi giờ tập đọc. Trước khi làm mẫu tôi luôn chú trọng ổn định trật tự, tạo cho học sinh tâm thế nghe và yêu cầu học sinh đọc thầm theo. Khi đọc tôi chú ý bao quát cả lớp, đọc đủ lớn cho tất cả các em đều nghe được.
Tôi cũng chú trọng phát triển những em có khả năng đọc tốt và tận dụng giọng đọc của các em làm giọng đọc mẫu. Việc làm đó rất có hiệu quả, nó kích thích học sinh thi đua với nhau rèn đọc tốt, đọc hay.
5. Luyện đọc cá nhân.
Sau khi hướng dẫn cụ thể cách đọc, tổ chức cho học sinh đọc trong nhóm, tôi thường tổ chức cho các em đọc cá nhân, bình chọn người đọc hay nhất. Học sinh tôi rất hứng thú, hăng hái tham gia. Sau mỗi giờ học bao giờ tôi cũng yêu cầu các em luyện đọc thêm ở nhà. Giờ lên lớp của bài sau tôi kiểm tra việc rèn đọc, tập trung vào các em đọc yếu kém để các em luôn có ý thức phấn đấu, rèn luyện. Việc tổ chức cho học sinh tìm đọc sách ở thư viện trường cũng được tiến hành thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp xúc nhiều hơn với văn bản đọc.
c. Kết quả:
Các em đã thực sự hứng thú học tập môn tập đọc, rất tự giác tích cực rèn đọc, không chỉ trên lớp mà còn ở nhà. Nếu như khảo sát đầu năm lớp tôi chỉ có 15-17 em có khả năng đọc tương đối tốt, khoảng 8-10 em đọc diễn cảm hay thì đến nay tỉ lệ đó được nâng cao rất nhiều. Số em đọc diễn cảm hay khoảng 15 - 18 em, hầu hết học sinh trong lớp đều đọc trôi chảy, to rõ ràng đúng nhịp.
Trong nhiều hoạt động của trường như: “Câu lạc bộ em yêu văn học”, “phát thanh măng non”, hay hội thi “Bài thơ và tiếng hát mừng thầy cô” ngày 20 -11 vừa qua lớp tôi có nhiều em tham gia và đoạt giải như: em Thuỳ Linh, em Mai Nương, em Kim Hùng, em Duyên
Học sinh lớp tôi say sưa tìm và đọc các tác phẩm văn học trong mỗi giờ tự đọc ở thư viện. Qua đó các em cảm nhận, học tập được nhiều câu văn hình ảnh đẹp vận dụng vào những bài tập làm văn tả cảnh, tả người đang học.
D. Một số ý kiến đề xuất:
Hiện nay, riêng về phần môn Tập đọc ở tất cả các khối lớp, không chỉ ở lớp 5 chưa có bộ tranh đồ dùng phục vụ cho từng bài học. Chúng tôi phải tự làm giáo cụ cho mỗi bài. Vì vậy thời gian tìm hiểu, xây dựng bài còn nhiều hạn chế.
Đồ dùng thiết bị dạy học nên có từ đầu năm học để tạo điều kiện cho giáo viên dạy tốt. Hiện nay đã gần hết học kì I chúng tôi vẫn chưa nhận được. Chúng tôi phải đầu tư cho giáo án và phương pháp dạy học lại phải đầu tư làm đồ dùng và các thiết bị dạy học nên giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.
Trên đây là một số ý kiến của bản thân tôi. Rất mong được sự góp ý của các đồng chí và các bạn đồng nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
	Mỹ Xá, ngày 10 tháng 12 năm 2006
	Người viết
	Đỗ Thu Hà

Tài liệu đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_mot_so_y_kien_ve_ren_ky_nang_doc_dien.doc