Đại từ xưng hô tiếng Việt và cách dạy bài đại từ xưng hô tiếng Việt 5

Đại từ xưng hô tiếng Việt và cách dạy bài đại từ xưng hô tiếng Việt 5

ĐẠI TỪ XƯNG HÔ TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH DẠY BÀI ĐẠI TỪ XƯNG HÔ TIẾNG VIỆT 5

Trần Trung Huy- Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành – Hải Dương

 Xưng hô là hành vi được thực hiện trong giao tiếp ở tất cả các cộng đồng người. Tuy nhiên mỗi ngôn ngữ đều có hệ thống từ xưng hô và cách dùng chúng để một mặt thực hiện chức năng xưng gọi, mặt khác thể hiện được những đặc điểmvăn hóa giao tiếp của dân tộc đó.

A. Bàn về đại từ xưng hô tiếng Việt và định nghĩa trong SGK TV5

 So với các ngôn ngữ khác, hệ thống từ xưng hô trong ngôn ngữ tiếng Việt nhiều về số lượng, đa dạng về xuất xứ và kiểu cấu tạo; uyển chuyển về cách dùng. Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, hệ thống từ xưng hô ấy đã thể hiện rõ nhiều nét đặc trưng cho văn hóa ứng xử của cộng đồng dân tộc Việt.

 Nói cách khác, cách xưng hô của người Việt vô cùng phong phú. Sự phong phú của từ xưng hô đã góp phần làm nên sự tinh tế, sắc thái biểu cảm đa dạng và độc đáo của tiếng Việt. Và đã là người Việt hoặc là người sử dụng tiếng Việt thì phải biết xưng hô như thế nào cho đẹp, thể hiện mình là người lễ độ, có văn hóa. Có lẽ chính vì vậy mà ngay từ cấp tiểu học, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã đưa đại từ xưng hô vào để giới thiệu với các em. Trong bài viết này, Tôi xin được làm rõ về đại từ xưng hô tiếng Việt, định nghĩa trong SGK và cách dạy bài Đại từ xưng hô (TV5 tuần 9). Sở dĩ tôi chỉ nói đến Đại từ xưng hô vì Đại từ là mảng kiến thức rộng, có nhiều tiểu loại, lên các cấp học trên, các em sẽ học nhiều; còn đại từ xưng hô là một trong nhiều tiểu loại của đại từ nhưng có ý nghĩa thực tế và được người Việt sử dụng ngay từ khi bắt đầu ở tuổi tập nói những tiếng đầu tiên trong đời.

 

doc 6 trang Người đăng hang30 Lượt xem 608Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đại từ xưng hô tiếng Việt và cách dạy bài đại từ xưng hô tiếng Việt 5", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐạI Từ XƯNG HÔ tiếng Việt và cách dạy bài đại từ xưng hô tiếng việt 5
Trần Trung Huy- Trường Tiểu học Lai Vu – Kim Thành – Hải Dương
 Xưng hô là hành vi được thực hiện trong giao tiếp ở tất cả các cộng đồng người. Tuy nhiên mỗi ngôn ngữ đều có hệ thống từ xưng hô và cách dùng chúng để một mặt thực hiện chức năng xưng gọi, mặt khác thể hiện được những đặc điểmvăn hóa giao tiếp của dân tộc đó. 
A. Bàn về đại từ xưng hô tiếng Việt và định nghĩa trong SGK TV5 
 So với các ngôn ngữ khác, hệ thống từ xưng hô trong ngôn ngữ tiếng Việt nhiều về số lượng, đa dạng về xuất xứ và kiểu cấu tạo; uyển chuyển về cách dùng. Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, hệ thống từ xưng hô ấy đã thể hiện rõ nhiều nét đặc trưng cho văn hóa ứng xử của cộng đồng dân tộc Việt. 
 Nói cách khác, cách xưng hô của người Việt vô cùng phong phú. Sự phong phú của từ xưng hô đã góp phần làm nên sự tinh tế, sắc thái biểu cảm đa dạng và độc đáo của tiếng Việt. Và đã là người Việt hoặc là người sử dụng tiếng Việt thì phải biết xưng hô như thế nào cho đẹp, thể hiện mình là người lễ độ, có văn hóa. Có lẽ chính vì vậy mà ngay từ cấp tiểu học, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã đưa đại từ xưng hô vào để giới thiệu với các em. Trong bài viết này, Tôi xin được làm rõ về đại từ xưng hô tiếng Việt, định nghĩa trong SGK và cách dạy bài Đại từ xưng hô (TV5 tuần 9). Sở dĩ tôi chỉ nói đến Đại từ xưng hô vì Đại từ là mảng kiến thức rộng, có nhiều tiểu loại, lên các cấp học trên, các em sẽ học nhiều; còn đại từ xưng hô là một trong nhiều tiểu loại của đại từ nhưng có ý nghĩa thực tế và được người Việt sử dụng ngay từ khi bắt đầu ở tuổi tập nói những tiếng đầu tiên trong đời. 
 I. Về định nghĩa trong SGK
1. Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp : tôi, chúng tôi ; mày, chúng mày ; nó, chúng nó,...
2. Bên cạnh các từ nói trên, người Việt Nam còn dùng nhiều danh từ chỉ người làm đại từ xưng hô để thể hiện rõ thứ bậc, tuổi tác, giới tính : ông, bà, anh, chị, em, cháu, thầy, bạn,...
3. Khi xưng hô, cần chú ý chọn từ cho lịch sự, thể hiện đúng mối quan hệ giữa mình với người nghe và người được nhắc tới.
(Tiếng Việt 5, tập một, tr. 105)
II. Làm rõ định nghĩa ở SGK:
Cách định nghĩa trên là cách nói ngắn gọn phù hợp nhận thức lứa tuổi HS tiểu học. Là thầy cô giáo, chúng ta phải hiểu định nghĩa trên rộng hơn rất nhiều, có thể diễn giải như sau:
1. ý 1 của định nghĩa trên là định nghĩa chung cho đại từ xưng hô và cũng là đề cập đến những đại từ xưng hô mang tính chất chính danh. Từ được người nói dùng để tự chỉ mình là từ được người nói dùng để "xưng" với người đang nói chuyện với mình (tôi, chúng tôi, tao, chúng tao , mình, chúng mình, tớ, chúng tớ, ...); Từ được người nói dùng để chỉ người khác có hai loại : Để "hô" (gọi) người đang nói chuyện với mình (mày, chúng mày, bạn, cậu, ...) và để chỉ người được nói tới trong câu chuyện giữa hai người (nó, chúng nó, hắn, bọn chúng, tụi ấy, ...). Người được nhắc đến trong câu chuyện có thể có mặt hoặc không có mặt trong cuộc thoại. 
Nói rộng ra, nếu chia theo vai giao tiếp, đại từ xưng hô gồm:
Ngôi 1 (người nói): tôi, tao, tớ, ta, mình, người ta, thiếp (số ít); chúng tôi, chúng ta, chúng tớ, chúng ta, chúng mình, bọn tôi, bọn tao, bọn tớ, bọn ta, bọn mình(số nhiều).
- Ngôi 2 (người nghe); mày, mi, ngươi, ngài, người, nàng, chàng, (số ít); bay, chúng bay, chúng mày, các người, các ngươi, các ngài, bọn bay, bọn mày(số nhiều).
- Ngôi 3: (người được nói đến): nó, hắn, gã, y, thị, lão, mụ (số ít); họ, chúng, chúng nó, bọn chúng, bọn họ, người ta (số nhiều)
 Chú ý là có một số đại từ nhân xưng tiếng Việt đồng thời biểu thị 2 ngôi nhân xưng khác nhau (cả ngôi 1 lẫn ngôi 2 số ít), ví dụ như các từ: mình, ta:
 “Người ta đi kiếm giàu sang cả
 Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông” 
 (Nguyễn Bính- Xuân tha hương)
ở câu thơ trên, từ “mình” chỉ ngôi 1- số ít. Còn trong câu thơ sau, từ “mình” lại chỉ ngôi 2- số nhiều:
 Hay “Mình về mình có nhớ ta
 Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
 (Tố Hữu- Việt Bắc)
 2. ý 2 của định nghĩa nói đến những từ không phải là đại từ xưng hô chính danh nhưng được người Việt dùng để xưng hô. Điều đáng nói ở đây là người Việt dùng các từ này để xưng hô nhiều hơn dùng các từ chính danh (tần suất lớn hơn nhiều, đến mức lấn át). Sở dĩ vậy vì người Việt có rất nhiều cách gọi - xưng:
- Gọi - xưng theo quan hệ gia đình, thân tộc: 
+ Với bề trên, gọi: ông, bà ; bố, mẹ (ba, má) - (xưng con); anh, chị (xưng em); bác, chú, cô, dì, (xưng cháu)
+ Với bề dưới, gọi: con, cháu, em (xưng ông, bà, bố, mẹ, chú, bác, cô, ... , anh, chị)
- Gọi-xưng theo tuổi tác
+ Hơn tuổi mình, đáng tuổi nào gọi tuổi ấy: cụ, ông, bà, bác, chú, cô, anh, chị, (xưng cháu hoặc em, người miền Nam thường xưng con chứ ít khi xưng cháu)
+ Kém tuổi mình, đáng tuổi nào gọi tuổi ấy: em, chú mày, nhỏ, bé con, cháu, (xưng ông, bà, cô, chú, anh, chị,  thân mật thì xưng tao)
- Gọi-xưng theo địa vị:
+ Lãnh đạo - nhân viên: thủ trưởng - em; giám đốc - tôi; ...
+ Cấp trên - cấp dưới: sếp - em; đại tá - tôi; ...
- Gọi-xưng theo nghề nghiệp: 
+ người dạy - người học: thầy, cô - em (con).
+ thợ cả - thợ phụ: bác cả - em
- Gọi-xưng theo chức nghiệp: bác sĩ - tôi, giáo sư - tôi, thầy - tôi, 
- Gọi-xưng trong cuộc họp: đồng chí - tôi
- Bạn nói chuyện với bạn : Gọi nhau bằng tên riêng (bề trên gọi bề dưới cũng hay dùng tên riêng).
..
 Trong giáo trình "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997), GS.VS Trần Ngọc Thêm đã nêu "Tiếng Việt sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng để xưng hô và những danh từ thân tộc này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng". Cũng trong giáo trình này, GS. VS Trần Ngọc Thêm nói người Việt có bốn kiểu xưng hô:
	 	 Kiểu 1: Xưng hô bằng danh từ thân tộc.
	Kiểu 2: Xưng hô bằng từ chỉ chức nghiệp.
	Kiểu 3: Xưng hô bằng đại từ hoặc từ chuyên dùng xưng hô
	Kiểu 4: Xưng hô bằng tên riêng.
	Nhưng kiểu 1 vẫn được lựa chọn để dùng nhiều hơn cả.
 Nói thêm rằng: Các từ được nói đến ý2 của định nghĩa chỉ được coi là đại từ xưng hô khi nó được dùng để chỉ người nói và người nghe trong đối thoại (như định nghĩa SGK đã nêu), còn trong các trường hợp khác nó là danh từ chỉ người. Có một số ý kiến không chấp nhận những từ đó là đại từ xưng hô nhưng chúng ta hoàn toàn yên tâm với quan điểm của SGK vì: Các đại từ xưng hô trong tiếng Việt có nguồn gốc danh từ hoàn toàn đủ tư cách là đại từ, vì một lẽ đơn giản là khi nó được dùng để xưng hô thì đương nhiên nó trở thành một đại từ. Mặt khác, có những đại từ gốc danh từ còn được dùng nhiều hơn các đại từ “chính danh” và các từ này còn được dùng với tư cách đại từ nhiều hơn với tư cách danh từ.
 Nói đến chuyện này, xin kể lại: Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số tháng 3 năm 2007 có bài Cần phân biệt từ xưng hô với đại từ xưng hô của TS. Nguyễn Thị Trung Thành. Trong bài báo này, TS. Nguyễn Thị Trung Thành khẳng định : “Khái niệm từ xưng hô có nội hàm rộng hơn khái niệm đại từ xưng hô. Từ xưng hô trong tiếng Việt gồm có các loại sau : đại từ dùng để xưng hô, danh từ chỉ quan hệ họ hàng dùng để xưng hô, danh từ chỉ chức danh, nghề nghiệp. Như vậy, đại từ xưng hô chỉ là một bộ phận nhỏ nằm trong từ xưng hô” .Từ nhận thức đó, tác giả cho rằng SGK Tiếng Việt 5, tập 1 nhầm lẫn từ xưng hô với đại từ xưng hô. Ngay sau đó, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số tháng 7 năm 2007 có đăng bài Từ xưng hô thuộc hệ thống nào của TS Nguyễn Thị Ly Kha - một trong các tác giả của SGK TV Tiểu học - Phản hồi ý kiến của TS Nguyễn Thị Trung Thành. TS Nguyễn Thị Ly Kha cho rằng các danh từ chỉ quan hệ thân tộc có sự chuyển loại khi được dùng để xưng hô. Giống như sự chuyển loại danh từ thành động từ kiểu “vác cày đi cày ruộng; dùng cuốc để cuốc đất; ”. Bài báo có đoạn: Chuyển loại là một hiện tượng ngữ pháp có tính phổ biến. Nếu đã xem cày, cuốc trong đang cày, đang cuốc, là hiện tượng chuyển loại của từ thì không thể gạt nhóm ông, cháu... trong “ông ơI; cám ơn cháu;...” ra khỏi danh sách các trường hợp chuyển loại. Đặc biệt, một thực trạng không thể phủ nhận và không thể không lưu ý là trong thực tế giao tiếp, người Việt xưng - hô bằng danh từ thân tộc (và hô gọi bằng một số danh từ chỉ chức danh) là chủ yếu ; rất ít trường hợp sử dụng đại từ xưng hô chính danh.
3. ý 3 của định nghĩa: Khi xưng hô, cần chú ý chọn từ cho lịch sự. Sở dĩ vậy vì người Việt xưng hô bao giờ có hai ý. Một là phải gọi cho đúng; hai là thể hiện được thái độ, tình cảm giữa hai người. Với những người trong gia đình, họ hàng, phải gọi đúng thứ bậc. Ngoài xã hội, phải để ý đến tuổi tác mà gọi sao cho những người xung quanh chấp nhận được. Trong nhà trường, phải gọi thầy cô với thái độ tôn kính, gọi những HS lớp trên bằng anh (chị) xưng em, gọi các bạn trong lớp là bạn (cậu) xưng tớ (mình) ; trừ trường hợp thân nhau đến độ gọi mày xưng tao. Trong vấn đề này, việc bộc lộ tháI độ qua xưng hô là đặc trưng của xưng hô tiếng Việt. Cụ thể là:
Để tỏ tình cảm thân mật, nếu “ngang hàng” nhau, người ta gọi nhau đúng cách với giọng điệu thân tình. Nếu là bề trên thì gọi với tháI độ kính trọng. Trong cộng đồng người Việt, những người đã có con cáI thường thể hiện tình cảm quý mến hay tôn kính bằng cách gọi nâng bậc. Khi dùng phép nâng bậc thì người nói hạ mình xuống vai con mình để gọi chú xưng tôI, gọi dì xưng chị, gọi ông (cụ) xưng con chứ không gọi theo đúng thứ tự bề bậc. Người Việt gọi kiểu nâng bậc như vậy còn là để cho con cái mình nghe đó mà gọi cho đúng. Cách xưng hô này còn gọi là xưng hô thay ngôi.
Ngược lại, để tỏ thái độ coi thường, khinh bỉ người Việt Nam dùng lối hô hạ bậc. Đáng ở bậc trên mà dùng bậc dưới mà hô, đáng ở tuổi trên mà dùng từ ở tuổi dưới mà hô. Đáng hô là cụ mà hạ xuống ông, đáng hô là ông mà hạ xuống anh là lối hô hạ bậc, Khinh bỉ nhất là hô bằng thằng hay con (thằng cha, con mẹ, con mụ). 
Nhờ cách dùng từ xưng hô như thế mà hiệu quả giao tiếp thường rất tốt đẹp.
Trong thực tế có những cảnh xưng hô không thể chấp nhận. VD: Trong phòng có nhiều người. Trong đó có người lớn tuổi, có cả những người là cấp trên. Vậy mà một người vào sau đánh một câu “Chào cả nhà” làm tất cả mọi người trong phòng sửng sốt. Lại có nhiều cơ quan chỉ xưng hô anh em, chị em mà không kể tuổi tác chi cả. Đến khi vào nhà nhau chơi thấy khó xử vì người mà mình gọi bằng anh lại có con lớn tuổi hơn mìnhTheo phong tục của người Việt, cứ hơn nhau một con giáp (12 tuổi) thì gọi bằng chú hoặc cô, hơn tuổi bố mình thì gọi bác, 
Lại nói thêm, chuyện xưng hô trong trường học, giữa hai thầy (cô) trò, tuỳ theo tuổi tác mà xưng em hay xưng con là quyền của trò, không ai dám ý kiến. Thế nhưng, khi đứng trước tập thể học sinh, các thầy cô thường gọi các em chứ ít ai gọi các con vì thầy lúc này đang đứng ở ngôi thầy và thầy “không có tuổi”. Nói vui thêm nữa, khi phát thanh viên trên đài truyền hình đọc “Các bạn xem truyền hình thân mến! ” ta không nên thắc mắc cô ấy trẻ tuổi vậy sao lại gọi mọi người là “các bạn” bởi vì dù cô ta ít tuổi vậy nhưng lúc này cô ta là “nhà đài” và đang nói lời của “nhà đài” đấy chứ
 Trên là bàn về xưng hô nói chung, còn xưng hô trong gia đình thì đa cách nhất là xưng hô giữa con cái với bố mẹ, giữa vợ với chồng. Con cái gọi cha mẹ thì mỗi vùng một kiểu: Bắc Bộ thì gọi bố mẹ hoặc thầy u; Trung du Bắc Bộ thì gọi mẹ là bầm; Nghệ An, Hà Tĩnh thì gọi bố mẹ là bọ mạ hoặc ; Nam Bộ thì gọi ba má hoặc tía má;  Việc xưng hô giữa vợ chồng với nhau mà kể ra còn lí thú hơn nhiều. Có đôi thì anh - em, có đôi thì mình - tôi (em), có đôi thì bố cu (mẹ thằng Cún) - tôi, có đôi thì u em (thầy em) - tôi, có đôi lại bố mày (mẹ mày) - tôi (tao), 
 Nhưng, trong gia đình, dù xưng hô bằng gì thì người Việt cũng luôn thể hiện một số nguyên tắc mang tính gia phong của người Việt:
- Nguyên tắc "trọng trên hơn dưới" (người ở bậc trên được nêu trước người ở bậc dưới): ông cháu, bà cháu, bác cháu, mẹ con, anh em, dì cháu.... 
- Nguyên tắc " trọng nam hơn nữ":bố mẹ, ông bà, anh chị... 
- Nguyên tắc "trọng nội hơn ngoại": các cô các cậu, các cô các dì, các bác các cậu,  
- Nguyên tắc "trọng cùng huyết thống hơn khác huyết thống": chú thím, dì dượng, cậu mợ...
.
 Còn một điểm nữa là, cũng như nhiều ngôn ngữ nước ngoài, từ xưng hô tiếng Việt luôn thể hiện giới tính. Chẳng hạn, là nữ giới thì gọi chị, cô, bà,  chứ không gọi anh, chú, ông, 
 B. Cách dạy bài “Đại từ xưng hô”
I. Xác định được mục tiêu bài học
- HS hiểu đại từ xưng hô là từ dùng để đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp
- HS nhận biết được thái độ của nhân vật trong truyện qua việc nhân vật đó dùng đại từ xưng hô 
- HS đọc hiểu câu chuyện để sử dụng đại từ xưng hô điền vào chỗ chấm trong truyện kể cho đúng.
 Chú ý: Đây là bước đầu giúp HS hiểu định nghĩa và cách sử dụng đại từ xưng hô cho đúng nên GV không nên đi sâu phân chia tiểu loại, liên hệ quá rộng hoặc phân tích những hàm ý sâu xa trong việc dùng đại từ xưng hô của người Việt.
 II. GV cần chuẩn bị: Bảng phụ chép đoạn văn phần Nhận xét và đoạn văn của bài tập 1, 2 phiếu khổ to chép đoạn văn của BT2 phần luyện tập.
 III. Các hoạt động dạy học 
 1. KTBC: 
 Kiểm tra về đại từ để HS nhắc lại được đại từ là từ dùng để xưng hô hay thay thế cho danh từ, động từ , tính từ để khỏi lặp lại các từ ngữ ấy trong câu văn.
 GV nói tiếp: Như vậy, đại từ có hai tiểu loại cơ bản: một dùng để xưng hô, hai dùng để thay thế. Bài học hôm nay cô sẽ giúp các em tìm hiểu về một trong hai tiểu loại đó. Đó là đại từ xưng hô.
 2. Nhận xét
 Yêu cầu 1
- GV đưa ra bảng phụ chép đoạn văn ở BT1 phần Nhận xét.
- Gọi HS đọc đoạn văn
- Goi HS đọc các từ đã in đậm.
? Trong số các từ trên, những từ nào chỉ người nói? Những từ nào chỉ người nghe? Những từ nào chỉ người được nhắc đến?
- HS trả lời, GV chép ra bảng: + chỉ người nói: chúng tôi, ta
 + Chỉ người nghe: chị, các ngươi
 + Chỉ người được nhắc tới: chúng
 GV: Tất cả những từ nói trên người ta xếp vào hệ thống đại từ xưng hô. Vậy đại từ xưng hô là gì ?
- HS trả lời, GV rút ra kết luận 1, ghi lên bảng ở mục ghi nhớ: Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp : tôi, chúng tôi ; mày, chúng mày ; nó, chúng nó,...
 Yêu cầu 2: 
- GV nêu ngay yêu cầu: Tìm những từ các em vẫn dùng để xưng hô với thầy cô, bố mẹ, anh chị, bạn bè, ? (thầy, cô - em; bố, mẹ – con; ông, bà - cháu; anh, chị – em; )
- HS trả lời, GV kết luận: Ngoài các từ xưng hô có tính chuyên dụng như nêu ở kết luận 1, người Việt còn sử dụng nhiều danh từ chỉ người để xưng hô khác nhằm thể hiện rõ thứ bậc, tuổi tác, giới tính và các quan hệ gia đình, xã hội, 
- HS nhắc lại, GV chép lên bảng thành kết luận 2
Yêu cầu 3:
? Theo em, cách xưng hô của mỗi nhân vật trong câu chuyện trên thể hiện thái độ của người nói như thế nào ? (cô Hơ - bia có thái độ khinh người, cong cớn; thóc gạo có tháI độ điềm tĩnh, đúng mực)
? Nhờ đâu mà em có nhận xét vậy ? ( dựa vào từ xưng hô mà các nhân vật sử dụng)
? Theo em, cô Hơ - bia nên nói thế nào cho lịch sự ? (có thái độ khiêm tốn, không gọi thóc gạo là “các ngươi” mà nên xưng tôi, gọi thóc gạo là các bạn)
? Qua ví dụ này, ta thấy, khi xưng hô cần chú ý điều gì ? ( Cần chú ý chọn từ xưng hô cho lịch sự và thể hiện đúng mối quan hệ giữa người nói và người nghe).
- GV rút ra kết luận 3, viết tiếp vào mục ghi nhớ trên bảng.
3. Ghi nhớ
- HS đọc ghi nhớ
- GV cho HS lấy thêm ví dụ làm rõ ghi nhớ.
3. Hướng dẫn HS làm bài tập
Bài tập 1: 
- GV treo bảng phụ có chép đoạn truyện “Rùa và Thỏ”.
- Phân tích yêu cầu của BT
- HS làm vào vở BTTV; 1 HS lên bảng gạch chân các đại từ xưng hô trên bảng phụ
- GV tổ chức chữa bài và cho HS nhận xét thái độ từng nhân vật: Lúc đầu thỏ chỉ nói "trống không" (không có xưng hô gì hết); sau Thỏ mới xưng “ta” và gọi Rùa là “chú em” vì Thỏ cậy mình cao lớn hơn nên xem thường và khinh miệt Rùa. Rùa gọi "anh" xưng "tôi" với Thỏ vì Rùa vốn bản tính khiêm tốn, hòa nhã và tự tin, can đảm không hề sợ hãi kẻ mạnh.
- GV: Bài tập này cho thấy từ xưng hô của tiếng Việt ngoài chức năng hô gọi còn có chức năng quan trọng không kém là thể hiện tháI độ của người nói. Để thể hiện thái độ kẻ cả, ngạo mạn, Thỏ đã xưng “ta” và gọi Rùa là “chú em”. Và ngược lại, để thể hiện mình là người biết điều, có cách ăn nói đúng mực, Rùa đã gọi Thỏ là “anh” và xưng “tôi”.
Bài tập 2 : 
- Cho HS đọc để nắm được nội dung mẩu chuyện. Sau đó, xác định ý nghĩa của từng đại từ xưng hô.
- Cho HS làm nhóm đôi trong vở BTTV, phát phiếu to cho 2 nhóm . 
- Gọi HS đọc bài làm để chữa.
- GV treo phiếu to, chữa bài cho 2 nhóm
Giải thích: Tôi – người nói (Bồ Chao và Bồ Các) dùng để chỉ mình; nó – người nói dùng để chỉ trụ điện cao thế, chúng ta - người kể chuyện dùng để chỉ tất cả những con chim đang có mặt.. Như vậy, Bồ Chao xưng tôi, gọi những cột điện là nó; Bồ Các cũng xưng tôi, cũng gọi cột điện là nó và dùng chúng ta để chỉ lũ chim đang nghe chuyện (trong đó có mình).
Trích đoạn truyện này kể lại cuộc trò chuyện trong họ hàng nhà chim. Trong truyện có nhiều ngôi xưng hô. Cụ thể là có người nói xưng “tôi” (mới đầu là Bồ Chao, sau đến Bồ Các); những người nghe được Bồ Chao gọi là “chúng ta”; người được nhắc đến trong lời kể của người nói (Tu Hú, nó)
Như vậy, trên đây là việc phân tích để cụ thể hóa định nghĩa trong SGK TV5 về đại từ xưng hô tiếng Việt và cách dạy bài học đó. Bài viết này chắc sẽ có những điều chưa thỏa mãn bạn đọc vì như trên đã nói “So với các ngôn ngữ khác, hệ thống từ xưng hô trong ngôn ngữ tiếng Việt nhiều về số lượng, đa dạng về xuất xứ và kiểu cấu tạo; uyển chuyển về cách dùng”. Tác giả bài báo này rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các thầy cô. Xin trân trong cảm ơn. 
 Lai Vu, ngày 30 tháng 11 năm 2011
 Trần Trung Huy

Tài liệu đính kèm:

  • docĐại từ xưng hô.doc